Thứ 5, 02/05/2024, 16:54[GMT+7]

Dòng sông hoa lửa

Thứ 6, 25/05/2012 | 16:04:54
2,511 lượt xem
Tròn 40 năm đã trôi qua, nhưng dường như mỗi tấc đất, mỗi đoạn đường, mỗi ngọn đồi vẫn còn đó. Vùng đất này từng vang dội chiến công nhưng cảnh sắc lại dịu dàng, bình dị. Mỗi dòng suối xanh vẫn như thấp thoáng bóng hình người chiến sĩ thuở nào. Các anh đang vượt sông, đang vượt qua bom đạn nhằm hướng về phía kẻ thù xốc tới.

Niềm vui của chiến sĩ và đồng bào Cửa Việt khi nghe tin Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ảnh: Ngọc Đản.

Chiến trường xưa, hôm nay lặng lẽ mà như muốn nói lên tất cả những gì thuộc về quá khứ của một thời oanh liệt.

 

Ôi, đồng đội của chúng tôi! Nắng, mưa càng hiện rõ chứng tích lịch sử oanh liệt này. Quảng Trị là nơi thử thách lòng kiên trinh cách mạng của tất cả chúng ta. Mỗi trận đánh như "lửa thử vàng", có bao con người đã ngã xuống trước bom đạn kẻ thù nhưng vẫn không ngăn nổi hàng nghìn chiến sĩ tuổi mười chín, đôi mươi xông lên để giữ Thành cổ yêu dấu bằng bất kỳ giá nào. Chúng ta đánh kẻ thù bằng xe tăng, pháo lớn và bằng cả tấm lòng kiêu hãnh của người chiến sĩ Việt Namon>. Chiến công nào mà không có máu đổ. Sự hy sinh to lớn của người đồng đội chúng ta đúng như một nhà thơ đã viết: "Nếu các anh trở về đông đủ, sư đoàn ta sẽ thành mấy sư đoàn".

 

Năm ấy, mặt trận Quảng Trị và Thành cổ có một người chiến sĩ với cái tên bình dị: Lê Bá Dương. Mới tròn tuổi 15, Lê Bá Dương tự tay cắt máu, viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Người xã đội trưởng lúc đó đã tặng anh thêm ba tuổi để Dương được lên đường. Trung đoàn 27, đơn vị của Lê Bá Dương thuở ấy nổi danh với truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Lê Bá Dương trở thành dũng sĩ diệt Mỹ vào độ tuổi thanh xuân. Anh đã hơn 10 lần được phong tặng danh hiệu vẻ vang đó. Anh tâm sự: "Những giây phút thiêng liêng, yên tĩnh này chợt dậy lên trong tôi hình ảnh những đồng đội, đồng chí đã chiến đấu trong suốt 81 ngày đêm ở Thành cổ. Hầu hết các anh đều ở lứa tuổi đôi mươi, từ các trường Đại học vừa được bổ sung cho lực lượng chiến đấu của chúng ta.

 

Những con người dường như chưa một lần nắm tay bạn gái, thế mà bất chấp cả triệu tấn bom đạn Mỹ, từ B52 rải thảm, pháo bầy từ hạm đội 7, các loại hỏa lực, pháo mặt đất, xe tăng đã ném vào đây bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hirosima (Nhật Bản). Bất chấp tất cả, Thành cổ không một viên gạch nguyên vẹn mà vẫn rạng lên gương mặt chiến sĩ, đồng đội của tôi và hơn 10 nghìn chiến sĩ yên nghỉ nơi này".

 

Những ngày cuộc chiến ác liệt nhất nơi Thành cổ, tôi đã từng có mặt với tư cách là một phóng viên chiến trường. Có không ít cán bộ, chiến sĩ tôi vừa viết bài, chụp ảnh gửi ra Hà Nội thì mấy ngày sau họ không còn nữa, đã anh dũng hy sinh. Họ không được đọc những trang viết về mình. Trong muôn vàn câu chuyện chiến đấu năm xưa có một câu chuyện thật cảm động. Đó là chuyện về căn hầm dưới chân Thành cổ, căn hầm chỉ huy của Chính trị viên tiểu đoàn Lê Binh Chủng. Anh và đồng đội đã không trở về sau chiến thắng. Căn hầm ấy, hơn 27 năm sau, đồng đội anh mới tìm thấy. Cùng với hài cốt của anh là rất nhiều tài liệu Chỉ huy tác chiến, địch vận có giá trị, cuốn Điều lệ Đảng, Nhật ký ghi chép những diễn biến cuối cùng của chiến đấu. Các anh biết cái chết đang đến từng ngày, từng giây, từng phút nhưng sẵn sàng đón nhận. Tất cả vì Tổ quốc thân yêu.

 

 

Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ năm 1972.

 

Đặc biệt, trong đó có thư của chị Phan Thị Biển Khơi - người vợ của anh từ hậu phương gửi đến giữa những ngày cuộc chiến đấu giữ thành đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Lá thư gửi đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ 33 năm về trước, có đoạn viết: "Anh Chủng thân yêu của mẹ con em! Cầm bút biên thư cho anh trong khi chiến trường Trị - Thiên thắng to. Tin vui bay về đến hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi đến bao niềm thương, nỗi nhớ...".

 

Trước đó, thư gửi ngày 20-4-1972, chị cũng thể hiện ý chí của mình: "Còn em phải tình nguyện bám đất, giữ làng chứ không đi, quyết ra sức thi đua với anh ở tiền tuyến, khi nước nhà thống nhất, ta gặp nhau, sẽ là những người cộng sản đỏ". Những lá thư hậu phương đã làm nên sức mạnh kỳ diệu cho những người chiến sĩ ở tiền tuyến. Trong những phút giây kỳ diệu đó, anh cùng đồng đội đã lao vào cuộc chiến đấu đó bằng cả sức mạnh phi thường.

 

Trở về dòng sông Thạch Hãn, tôi vẫn thấy lòng mình thổn thức, tràn ngập kỷ niệm xưa. Nơi này, bên này, chúng tôi đã vượt sông và có bao con người đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ dòng nước. Trên dòng sông này tôi đã gặp lại những người du kích Triệu Phong, Triệu Hải. Tôi như nghe trăm ngàn lần sóng vỗ, khúc hát anh hùng mà đầy đau thương, máu và nước mắt. Những đồng đội không trở về hôm nay vẫn muốn lòng tri ân những bà mẹ, những người chị, người em vừa đánh giặc, vừa hết lòng dành tình thương yêu chăm sóc người lính. Sự hy sinh ấy không sao tính được. Lê Bá Dương xúc động: "Thay mặt đồng đội hôm nay, chúng con lại về thăm các má - những người đã dành sự hy sinh cho Tổ quốc của mình mà không hề tính toán hạnh phúc riêng tư. Bàn tay các mẹ lúc nào cũng làm ấm lòng chúng con. Bàn tay một thời đã chăm chút cho chúng con như con đẻ của mình. Các mẹ, các chị là hiện thân của bà mẹ Việt Namon> trong hành khúc cuộc đời chiến đấu của chúng con, của thế kỷ 20 đầy máu và nước mắt".

 

Tư lệnh Mặt trận B5 Lê Trọng Tấn và tác giả (phía sau, bên trái) tại Sở chỉ huy mặt trận năm 1972. Ảnh tư liệu.

 

Quảng Trị là chiến trường đúc nên biết bao vị tướng. Họ thấm đẫm máu và nước mắt, dày mưu, sáng tạo trong chiến đấu. Trong số đó có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong cuộc đời quân ngũ, anh có đến gần 10 năm bám trụ, chiến đấu trên mảnh đất này, với bao chiến tích hằn sâu trong trí nhớ. Trong mỗi lần gặp mặt vị tướng can trường lại sôi nổi kể về đồng đội, về những người lính của mình thời dòng sông hoa lửa. Sau chiến tranh, năm nào Tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng một đôi lần có mặt ở Quảng Trị, thăm hỏi, tặng quà đồng bào, đồng chí, đồng đội đã từng gắn bó, cưu mang, chở che trong từng trận đánh. Cây đa ở Gia Bình anh trồng ngày nào, nay đã mọc cao, tỏa lá xanh vời vợi như ước nguyện tâm linh sẽ là nơi hương hồn đồng đội về đây hội tụ linh thiêng. Giờ đây bên cạnh cây đã mọc lên ngôi đình làng mới. Quảng Trị là đất thiêng hiện hữu trên mỗi ngọn đồi, dòng sông, con suối. Vào dịp này lại thêm một cây bồ đề mới được Tướng Hiệu và đồng đội trồng lên trên đất Tân Kim - Sáp đá mài, nơi bao chiến sĩ, đồng bào ngã xuống để giành lấy từng tấc đất, mái nhà trong những năm tháng chiến tranh.

 

Trở về Thạch Hãn, tôi bắt gặp hình ảnh đoàn học sinh có những cặp mắt trong veo như giọt nước, những cô gái với tà áo dài thướt tha, các bà mẹ lưng còng đi chợ qua, thành kính nghiêng mình thả một nhành hoa xuống dòng sông một thời nhuộm lửa. "Người dân Quảng Trị chúng tôi còn nghèo nhưng tâm hồn mãi trắng trong bởi các anh đã dành cho chúng tôi tất cả. Chúng tôi say hoa, yêu hoa là còn vì có hình ảnh các anh trong đó. Những chàng trai, cô gái sinh ra trên đất Quảng Trị hôm nay khó hình dung cuộc chiến ác liệt đến chừng nào cũng dành cho các anh những nụ hoa, cành hoa đẹp nhất. Mỗi mầm cây, nụ hoa vươn lên từ mảnh đất này, người Quảng Trị chúng tôi vẫn như có lời nhắn gửi sâu xa của các anh" - một người gánh hoa nói.

 

Thành cổ Quảng Trị thiêng liêng trước hết nhờ sự tích của mỗi người, của chiến sĩ vô danh đã hằn sâu trong lòng đất mà dòng sông Thạch Hãn là nơi nhạy cảm nhất:

Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

 

Dòng sông, lòng sông thấm đẫm xương máu của các liệt sĩ vô danh và tận trong sâu thẳm đó là tình dân, nghĩa dân Quảng Trị đối với các anh.

 

Xin thắp một nén hương cầu nguyện cho hương hồn các anh siêu thoát, mãi bất tử trong cuộc sống hôm nay.

 

Lễ thả hoa hằng năm bây giờ đã thành Hội truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" như ước vọng của Lê Bá Dương và của bao người con Quảng Trị. Những đóa hoa này thay cho tình cảm và những dòng nước mắt đối với các anh của người Quảng Trị. Những ngọn lửa và dòng sông vẫn như thuở nào, lưới lửa súng đạn tràn ngập Thạch Hãn, trút căm thù của người chiến sĩ vào kẻ thù, trào lên lời thề chung: Quyết thắng.

 

Máu và hoa đã tôn vinh tầm cao lịch sử: "Chúng ta bay ngàn độ lửa ta bay, đất đánh giặc đất vươn dài bén gót". Nơi này, đất này đã hội tụ những phẩm chất, những người lính tuyệt vời không phải bao giờ cũng có được. Sự vĩnh hằng của các anh tạo nên những ngọn lửa sáng trên dòng sông mà ngày đêm chúng tôi hướng tới tri ân. Các anh là những bông hoa luân hồi từ bến sông này, trở thành dòng sông hoa lửa bất tận, mãi tỏa sáng trong quá khứ và cả tương lai.

 

Tượng đài Quảng Trị quanh năm nghi ngút khói hương. Từ 40 năm trước, chính các anh đã tạo nên một kỳ quan trong lịch sử, kỳ tích ở trên đời, một minh chứng oai hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do mãi không bao giờ phai nhạt bên dòng sông Thạch Hãn.

 Theo qdnd.vn

  • Từ khóa