Thứ 2, 02/12/2024, 20:40[GMT+7]

Nam chinh bình Chiêm

Thứ 2, 06/01/2020 | 10:38:59
14,545 lượt xem

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Tiến Trật.

Thần tích đền Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng chép: “Điện tiền Đô chỉ huy sứ Đặng Thiện Thành (1112 - 1185, triều Lý Anh Tông) trên đường kinh lãm lộ Long Hưng gặp trời tối, giông gió mịt mùng liền nghỉ lại đêm ở miếu Tiến Lộc, tổng Xích Bích vừa chợp mắt mộng chiêm bao thấy điện vũ sáng lòa, một cụ già đầu râu tóc bạc như cước đến cửa quân thưa rằng: Ta là con cháu Hùng Vương, được làm phúc thần làng này, nay biết tướng quân đi mộ binh giúp vua dẹp giặc, lão nhân xin nguyện được âm phù”.

Tỉnh mộng, nhớ lời lão nhân, Đặng tướng quân khảo sát thế đất, thấy có long chầu, hổ phục lại sát cạnh con sông Tà Sa nối với cửa Đào Thành ra sông Luộc rồi ngược lên kinh thành Thăng Long rất thuận lợi cho việc bố phòng, liền cho dựng đồn lũy ở làng Tiến Lộc. Dân làng đem rượu, thịt đến quân doanh úy lạo binh sĩ, xin cho con em được đầu quân và nguyện làm thần tử. Đặng tướng quân đã chọn 20 nam nhi trong ấp sung vào quân ngũ. Xưa, làng Tiến Trật có tên là Tiến Lộc, đến thời Nguyễn vì kiêng húy Bá Đa Lộc nên đổi thành Tiến Trật. Thời Lý, đền Tiến Trật là một quần thể kiến trúc đồ sộ tọa lạc trên một gò đất cao, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, dân gian gọi là gò “Con Thoi”. Hiện nay, kiến trúc đền còn tồn tại cổng Hoành mã, đền thờ Thái úy, miếu và lăng tưởng niệm các nghĩa sĩ. Sử cũ chép: Năm 1150 quân Chiêm Thành gây hấn đem quân đánh chiếm Nghệ An, năm 1152 vua Anh Tông cử tướng Lý Mông vào đánh Đồ Bàn, đưa Tạ Diệp làm vua nước Chiêm. Người Chiêm nổi dậy giết Tạ Diệp, liên tục xua quân quấy nhiễu biên cương Đại Việt. Đầu năm Đinh Hợi (1167), vua Lý Anh Tông xuống chiếu tuyển trai binh tứ trấn, bổ sung quân đội tiến hành bình Chiêm, lại sai các đại thần về các phủ huyện phủ dụ phụ lão, trai tráng. Đặng Thiện Thành đang giữ chức Điện tiền Đô chỉ huy sứ được vua sai đi kinh lãm lộ Long Hưng.

Thần tích đền Tiến Trật còn ghi: “Triều Lý có cụ Đặng Hinh quê gốc ở Sơn Tây, làm quan trong triều vào hàng Quốc Công. Ngày 6 tháng 7 năm Nhâm Dần (1112) Quốc Công sinh ra Đặng Thiện Thành. Từ nhỏ Đặng Thiện Thành học hành thông tuệ, thiên hạ suy tôn “thần đồng”. Đặng Thiện Thành đỗ Thái học sinh khoa Canh Thân, niên hiệu Đại Định, đời vua Lý Anh Tông (1138). Thời gian đầu ra làm quan, ông nhậm chức quan nhỏ, sau do có tài năng nên được thăng chức Kinh kỳ chưởng sự, rồi tiếp lên chức Điện tiền Đô chỉ huy sứ, sau khi Bình Chiêm thắng lợi, ông được vua thăng chức Thái úy. Theo các tài liệu khảo cứu, sau khi vua Lý Anh Tông dựng Tạ Diệp lên làm vua Chiêm Thành, người Chiêm không phục bèn nổi dậy giết Tạ Diệp khiến cho quan hệ hai quốc gia căng thẳng. Viện cớ đó, quân Chiêm nhiều lần xua quân đánh chiếm Đại Việt, có lần chúng tiến quân tới tận Thăng Long. Trước sự gây hấn của Chiêm Thành, tháng 7 năm Đinh Hợi (1167) vua Lý Anh Tông sai Thái úy Tô Hiến Thành làm đại tướng quân đi đánh giặc Chiêm, Điện tiền Đô chỉ huy sứ Đặng Thiện Thành làm tướng tâm phúc được theo Thái úy Nam Chinh. Trận ấy quân ta thắng lớn, vua Chiêm phải dâng sớ cầu hòa và dâng lễ vật xin vua Lý Anh Tông tha tội. Điện tiền Đô chỉ huy sứ Đặng Thiện Thành được vua phong chức Thái úy”. Khảo tả di tích, đền Tiến Trật là một quần thể kiến trúc lớn, tọa lạc trên một gò đất cao, tiền có gò Chu Tước, hậu có gò Huyền Vũ, bên phải là gò Bạch Hổ, nam có gò Thanh Long. Quy mô kiến trúc của đền gồm cổng Hoành mã, đền, miếu và lăng tưởng niệm các nghĩa sĩ. Cổng hoành mã chạy dài 18m có tả môn, hữu môn, trung quan. Nối các cổng và các trụ biểu là bức tường hoa đắp gấm toán tử hoặc chạy con song. Chính giữa trung quan xây bức cuốn thư làm bình phong tạo thành một tắc môn. Cuốn thư phía trên đắp rồng chầu, giữa đắp đỉnh lớn, cách đắp chữ thọ, bệ tiền đắp bạch hổ. Hai cổng tả môn, hữu môn xây chồng diêm, hồi đắp phù điêu long phụng, đao đắp song loan. Các trụ biểu đắp quả găng, lồng đèn, búp sen lá lật. Tòa bái đường 5 gian xây theo kiểu tàu đao chéo góc: đại bờ soi chỉ kép, đắp nổi hoa chanh, hai đầu có ngư long ngậm đại bờ. Góc bờ cánh soi chỉ kép, đắp đấu lại có nghê chầu, đao đắp rồng chầu phượng mớm. Hiên trước, bẩy chạm văn mây lá lật, hai gian giáp hồi xây tường gạch, trổ cửa chữ thọ. Ba gian giữa lắp ngưỡng kép, bạo kép đóng cánh cửa ô khung khách. Các vì đều chồng rường theo kiểu lòng thuyền tứ trụ, chạm văn mây, đấu sen. Hai vì giữa lắp cốn chạm lá hóa rồng. Tòa bái đường còn nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê còn lại như đầu dư, nghé bẩy. Đặc biệt còn sáu tòa cửa võng đều được chạm lưỡng phượng triều thư, hoặc trúc, cúc cài văn triện, lưỡng long triều nguyệt. Chính giữa tòa bái đường còn bức đại tự “Kỳ Uyên Nhân” tạm dịch là “Đức Thánh lòng nhân thâm sâu”. Trong cung cấm còn bức đại tự sơn son, thếp vàng bốn chữ “Hoàng Gia Lệnh Trụ”, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thông tin nghĩa của bốn chữ trong bức đại tự ngụ ý ca ngợi công đức của Thái úy Đặng Thiện Thành người được vua Lý Anh Tông tin tưởng giao trọng trách làm tướng tâm phúc nam chinh Bình Chiêm, ông được coi như tấm lá chắn ngăn “hòn tên, mũi đạn” của kẻ thù bảo vệ hoàng gia, bảo vệ đất nước. Nối giữa cung cấm với tòa bái đường là một hiên nhỏ trên có máng thượng tạo ra một hành lang ngăn cách giữa hai tòa. Hậu cung 3 gian xây theo kiểu hồi văn cách bản, hiên xây tường gạch, trổ 3 cửa đại. Nội thất cấu trúc theo kiểu kèo cầu quá giang vượt, bào trơn đóng bén. Lăng miếu các nghĩa sĩ ở phía trước đền, cách chừng 50m về phía tây nam. Miếu một gian, xây tường hồi bít đốc, nội miếu xây một bệ thờ, giữa có một khám lớn, lòng khám ghi tên 20 nghĩa sĩ làng Tiến Lộc đã theo tướng Đặng Thiện Thành bình Chiêm bằng chữ Hán.

Sử cũ chép: “Ngày 6 tháng 7 năm Bính Thân (1185), Thái úy Đặng Thiện Thành tạ thế. Thể theo chúc thư quan Thái úy Đặng Thiện Thành và ước nguyện của hương lão cùng 20 cựu nghĩa sĩ làng Tiến Lộc, Hoàng đế đương triều Lý Cao Tông xuống chiếu cho dân làng Tiến Lộc thờ Thái úy Đặng Thiện Thành đồng thời, ban nhiều vàng bạc xây dựng đền Tiến Lộc uy nghi, hoành tráng, cấp ruộng đất cho dân làng làm hương hỏa thờ phụng ngài.

Cựu chiến binh Vương Đức Thắng, Phó trưởng ban quản lý di tích lịch sử xã Đô Lương, Trưởng ban quản lý di tích quốc gia đền Tiến Trật, thôn 5, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Theo truyền ngôn, nguyên đền cổ xưa là ngôi miếu làng. Khi Đặng tướng quân hóa, dân làng tiếc thương đã dựng đền thờ ngài chính trên nền miếu cổ xưa. Đến thời Lê, đền được mở rộng. Đời Vĩnh Khánh, ngôi miếu được đại tu và đến năm 1890 dân làng lại tu bổ lần nữa. Hiện trạng di tích vẫn được nhân dân chúng tôi gìn giữ khá nguyên vẹn từ đó đến nay.

Ông Ngô Văn Xoáng, Trưởng ban khánh tiết di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Tiến Trật, thôn 5, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Đền Tiến Trật được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo Quyết định số 43/1999/QĐ-BVHTT, ngày 12/7/1999 của Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ khi được xếp hạng, đền được bà con nhân dân thôn 5, Tiến Trật nói riêng và xã Đô Lương nói chung gìn giữ, bảo vệ. Chúng tôi rất mong cấp chính quyền hữu quan quan tâm, tạo điều kiện để bảo vệ và tu bổ, chống xuống cấp ngôi đền cổ linh thiêng cho con cháu sau này.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thường, Thủ từ đền Tiến Trật, thôn 5, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Do xưa kia Tiến Trật là căn cứ quân sự bên dòng Tà Sa nên hiện nay đền Tiến Trật hẻo lánh, khuất sau khu dân cư, đường vào đền lắt léo, nhỏ, men theo bờ ruộng, do vậy chúng tôi rất mong cấp chính quyền quan tâm mở rộng đường và có biển chỉ dẫn đến di tích.


Quang Viện

huulu - 5 năm trước

Nghe đồn rằng khi xưa vua xuống chiếu giao cho dân làng xây đền thờ, ngày nay nhà nước đạ công nhận và xếp hạng di tích lịch sử vậy chính quyền địa phương phải có kế hoạch hằng năm quy định dân chúng trong vùng đóng góp, tu tạo di tích, làm đường xá rộng rãi để các nơi đến chiêm bái. Giao cho người hằng ngày hương khói di tích ( lấy ruộng vua ban cho trước kia mà trả thù lao).

Tải thêm