Thứ 5, 02/05/2024, 13:29[GMT+7]

Bác Hồ rèn luyện cán bộ

Thứ 6, 08/06/2012 | 09:12:15
2,569 lượt xem
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình sâu sắc hợp lòng người là ở chỗ: Nhân dân góp ý kiến vào tự phê bình và phê bình của lãnh đạo Trung ương và địa phương là trách nhiệm của nhân dân đối với những người nhân dân giao quyền lực, trách nhiệm của những người chủ đất nước với những người đầy tớ của mình.

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay ta mới được 45 ngày, một số cán bộ có chức quyền ở Trung ương và địa phương đã bộc lộ thói hư tật xấu. Ngày 17-10-1945, Báo Cứu Quốc số 69 đăng thư của Chủ tịch nước gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Nội dung thư chỉ có 3 dòng khen những cán bộ rất được lòng dân, còn 29 dòng Hồ Chủ tịch nói đến những lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ được giao giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước (dùng quyền có trong tay để trả thù cá nhân, kích động tầng lớp này chống tầng lớp kia, xe công được cấp lại dùng cho cả gia đình, sắp xếp vợ con, anh em vào làm tại cơ quan, còn người ngoài có tài lại không được dùng, lên mặt quan cách mạng coi khinh dân…).

 

Bảy ngày sau, ngày 25-10-1945, Báo Cờ Giải phóng, tiếng nói của Đảng, đăng bài “Một thái độ” của tác giả Điền Tử. Tác giả Điền Tử nhân danh là một chủ tịch làng (xã) hoàn toàn đồng tình với thư của Hồ Chủ tịch phê phán các lỗi lầm rất nặng nề và đề nghị những cán bộ phạm sai lầm nghiêm trọng nên tự giác từ chức, không nên chờ trên phải gây sức ép hoặc cách chức. Biết tự xử, từ chức đúng lúc là hành động yêu nước, từ chức như vậy rõ ràng không những uy tín không giảm sút mà càng chứng tỏ có trách nhiệm với nhân dân khi nhường lại chức vụ cho người tài giỏi hơn. Có thể nói, qua bài báo “Một thái độ”, văn hóa từ chức đã xuất hiện trong bộ máy nhà nước ta từ rất sớm. Phê bình và tự phê bình kết hợp chặt chẽ với kỷ luật, pháp luật rất nghiêm.

 

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch kể lại, hồi đó một số đảng viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng, lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ thì rõ rồi nhưng nếu chỉ phê phán kín đáo trong nội bộ, không đưa công khai lên báo thì còn bảo vệ được uy tín của Nhà nước. Về việc này, Hồ Chủ tịch đã giải thích: “Cán bộ ta từ Chủ tịch nước đến làng xã đều là đầy tớ của dân, có lỗi lầm nặng nề báo cáo với dân chỉ càng được dân tin”. Không phải đất nước còn đang rất khó khăn nên không dám công khai, minh bạch với dân, ngược lại, với Hồ Chủ tịch, đất nước càng gặp lúc hiểm nguy càng phải tin dân hơn, không được giấu dân dù tiêu cực xảy ra lớn đến đâu.

 

Giữa năm 1950, tòa án binh xử vụ tham nhũng lớn ở Cục Hậu cần, Đại tá Cục trưởng Trần Dụ Châu và Cục phó Lê Sỹ Cửu bị xử tử hình. Lúc này, cuộc kháng chiến của ta còn đang trong vòng vây của địch, biên giới còn bị bịt kín, ta còn hoàn toàn tự lực, cán bộ, bộ đội chưa có lương còn do dân nuôi, thiếu thốn đủ mọi thứ, sốt rét kiếm được viên thuốc ký ninh cũng rất khó. Tương quan lực lượng so sánh với địch, thế nước vẫn “ngàn cân treo sợi tóc” nên cán bộ xung quanh Trung ương đều tin chắc vụ tham nhũng lớn này chỉ giải quyết trong nội bộ. Thế nhưng tình hình lại diễn biến khác, Hồ Chủ tịch chỉ thị phải thông tin rộng rãi cho toàn dân biết. Tiền của bọn tham nhũng lấy được đều là đóng góp của dân nên phải báo cáo với dân.

 

Báo Cứu Quốc, báo hằng ngày duy nhất phát hành cả trong vùng địch tạm chiến, đăng 6 kỳ báo liền, kèm theo xã luận, kỳ nào cũng đăng trên trang nhất, mọi thủ đoạn, mánh khóe moi tiền của Nhà nước, kể cả áo trấn thủ của bộ đội bị ăn cắp, bớt vải lót bên trong bằng bao tải, cùng đủ mọi thứ ăn chơi, sa đọa của bọn tham nhũng. Xã luận đầu đề “Nhân vụ án Trần Dụ Châu” đã trình bày tại sao vụ tham nhũng lại công khai với toàn dân, xin trích: “…Có người e ngại, chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu Chính quyền, Đoàn thể (1) ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đây là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, Đoàn thể. Vì họ đã hiểu Chính quyền, Đoàn thể là Chính quyền, Đoàn thể của họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ.Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.Đấy không phải là việc riêng của Chính phủ, của Đoàn thể mà đấy là bổn phận của các tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”.

 

Bài xã luận đã viết theo ý kiến chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, một nguyên tắc được nêu lên trong bài xã luận là không chỉ có Đảng và Chính phủ chống tham nhũng mà chống tham nhũng còn là trách nhiệm, là bổn phận của nhân dân. Các cơ quan Đảng và Chính phủ chịu trách nhiệm không những phê bình và tự phê bình trong cơ quan mình mà còn phải phê bình và tự phê bình công khai với dân vì đã không giữ gìn, bảo vệ chu đáo tiền của nhân dân giao phó và tiếp thu những ý kiến phê bình của nhân dân.

 

Hồ Chủ tịch đã đặt “tự phê bình” trước “phê bình” từ bao giờ ? Sau thắng lợi rực rỡ của quân đội ta trong Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, đến tháng 3-1951, ta lại mở Chiến dịch Đường số 18 (còn gọi là Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, khu vực từ Uông Bí đến Phả Lại). Chiến dịch này ta không đạt kế hoạch đã đề ra. Tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch, Hồ Chủ tịch đã đến dự và phát biểu ý kiến. Báo Quân đội nhân dân số 15, ngày 4-5-1951 đã đăng bài phát biểu của Hồ Chủ tịch, đầu đề “Bài nói tại hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18”. Xin trích:

 

“Các chú ai cũng có cái khăn mặt. Có chú phong lưu hơn lại có thêm miếng xà phòng. Khăn mặt và xà phòng dùng để tắm rửa cho sạch. Về tinh thần và tư tưởng cũng cần phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình. Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Có đề cao tự phê bình và triệt để tự phê bình mới tẩy rửa được tinh thần và tư tưởng cho thật sạch. Ngày mai các chú họp phải tự phê bình thật nghiêm khắc về các khuyết điểm, rồi ra sức sửa chữa cho bằng được”. (Bài này còn được in trong Hồ Chí Minh toàn tập-Tập 6-Trang 206).

 

24 năm là Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch lúc nào cũng coi tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch,vững mạnh. Người đã sớm phát hiện những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, thấy rõ sự cám dỗ của quyền lực có thể làm con người hư hỏng, biến chất rất nhanh dù từng trải qua thử thách nhiều năm. Tự phê bình và phê bình không chỉ là việc riêng của mỗi cán bộ, mỗi cơ quan, mỗi bộ ngành, nhất lại là lãnh đạo các cấp, càng lên cao trách nhiệm càng lớn của người đứng đầu, đức và tài của họ trực tiếp liên quan đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Đời sống của nhân dân được cải thiện không chỉ trông chờ vào sức lao động cần cù, chăm chỉ, sáng tạo của nhân dân, còn phụ thuộc nhiều vào đường lối, chính sách của Đảng, vào năng lực và phẩm chất của lãnh đạo Trung ương và mặt trận địa phương có sát cơ sở, gần dân, thường xuyên nắm vững tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phục vụ quyền lợi chính đáng của dân. Muốn đường lối, chính sách của Đảng lúc nào cũng hợp với lòng dân, ý Đảng tự phê bình và phê bình của lãnh đạo cần công khai để nhân dân góp ý kiến.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình sâu sắc hợp lòng người là ở chỗ: Nhân dân góp ý kiến vào tự phê bình và phê bình của lãnh đạo Trung ương và địa phương là trách nhiệm của nhân dân đối với những người nhân dân giao quyền lực, trách nhiệm của những người chủ đất nước với những người đầy tớ của mình.

 Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa