Thứ 2, 02/12/2024, 20:53[GMT+7]

90 năm đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc

Chủ nhật, 26/01/2020 | 07:10:36
9,442 lượt xem
Khát vọng về một đất nước được độc lập, mọi người dân đều được mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc, tự do là điểm gặp gỡ của cả dân tộc Việt Nam. Cả hai mục tiêu này luôn gắn bó với nhau, tạo điều kiện để cả hai cùng thăng tiến.

Từ những năm 1920, hàng loạt tổ chức, đảng phái chính trị lần lượt ra đời và đều hướng tới giải đáp những yêu cầu đó của dân tộc. Tuy nhiên, cho đến đầu những năm 1930, các tổ chức cách mạng và chính trị đều bế tắc cả về đường lối lẫn phương thức để đạt được mục tiêu đã định.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào lúc những đòi hỏi của đất nước đã trở nên hết sức cấp bách: Ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân Pháp đã lên đến đỉnh điểm và sự kìm hãm, trói buộc của chế độ phong kiến đã thành vật cản chặn đà mọi tiến trình phát triển đất nước.

Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ khá sớm không chỉ nhận rõ những yêu cầu của dân tộc, mà còn phát hiện hai xu hướng, cũng là hai dòng chảy chủ yếu của thời đại liên quan trực tiếp đến số phận của dân tộc mình. Đó là cuộc đấu tranh giành quyền dân tộc tự quyết lúc ấy đang dâng cao ở khắp nơi trên thế giới và cuộc đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người cũng đang lan rộng từ các nước tư bản đến các nước thuộc địa. Vì thế, mục tiêu của cuộc cách mạng và tôn chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định rõ ngay trong Cương lĩnh thành lập Đảng: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”; “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”; “Dân chúng được tự do tổ chức”; “Nam nữ bình quyền”; “Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”. Để thực hiện các mục tiêu ấy, Đảng được tổ chức ra là nhằm “lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”. Như vậy, xác định cách thức đấu tranh cũng gắn liền với sự lựa chọn con đường phát triển, tìm ra giải pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã định.

Điểm mới, khác biệt với các tổ chức chính trị và các phong trào đấu tranh ở Việt Nam lúc đó là không tự cô lập, mà cần liên kết cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột khi ấy: “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”…

Phương lược mà Đảng nêu ra vừa phù hợp yêu cầu của dân tộc, vừa phù hợp “tinh thần thời đại” là mọi dân tộc đều cần được tôn trọng phẩm giá, đều có quyền quyết định vận mệnh và tương lai phát triển của mình. Chính vì thế, khẩu hiệu hành động của Đảng có sức lay động mọi tâm hồn người Việt, quy tụ được mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chung; đồng thời nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ rộng rãi của các dân tộc tiến bộ trên thế giới.

Ở mọi thời kỳ lịch sử, các tổ chức và đảng viên của Đảng đều thể hiện rõ năng lực trí tuệ và bản lĩnh cách mạng phi thường, sẵn sàng đương đầu với những thử thách, hy sinh, đi đầu trong các phong trào đấu tranh cách mạng.

Mặt trận Việt Minh, tổ chức cách mạng do Đảng lập ra, với Chương trình Việt Minh nổi tiếng nhằm mục tiêu: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập” và “dân Việt Nam được sung sướng, tự do” đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại các quyền con người bị thực dân, phong kiến tước đoạt. Nhờ đó, chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám vang dội, giành lại độc lập, tạo tiền đề đem lại hạnh phúc, tự do cho mọi người Việt Nam.

Vạch ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện thành công phương lược đề ra là sự khác biệt lớn nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các tổ chức và đảng chính trị khác ở Việt Nam cùng thời điểm đó. Nhưng nhất quán giữa đường lối chính trị và thực tiễn hoạt động sau khi nắm chính quyền mới là điều quan trọng, cần được kiểm chứng.

Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Nhà nước Việt Nam mới, với tiêu ngữ “dân chủ, cộng hòa”, đã tỏ rõ niềm tin, sức hấp dẫn bởi hàng loạt hoạt động ngay sau khi đất nước giành lại nền độc lập. Việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc và ban hành Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc (1946) theo xu hướng dân chủ, bảo vệ quyền con người, không chỉ tạo tính chính danh của chính thể mới, mà còn có ý nghĩa đưa “con tàu Việt Nam” vào đúng đường ray phát triển của thời đại.

Đất nước được độc lập nhưng còn thiếu thốn mọi bề cho việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, những hành động chiến tranh hòng tái lập chế độ thực dân đã khiến giấc mơ hưng thịnh đất nước, xây dựng tình hòa hiếu và bình đẳng “sánh vai” với mọi quốc gia trên thế giới bị chặn đứng.

Khi buộc phải đấu tranh để bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Nhà nước, lại tiếp tục tổ chức cả dân tộc tiến hành các cuộc chiến tranh vệ quốc suốt ba mươi năm và lập nên chiến công hiển hách - đánh thắng hai đế quốc hàng đầu thế giới là Pháp và Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã tạo nguồn cảm hứng để các dân tộc trên thế giới viết tiếp bản trường ca hào hùng trong cuộc đấu tranh chống mọi hình thức của chủ nghĩa thực dân, dẫn đến việc cộng đồng nhân loại phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết như một cấu phần không tách rời của quyền con người. Đây cũng là đóng góp có ý nghĩa của dân tộc Việt Nam vào giá trị quyền con người chung của nhân loại, như Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai (1993), đã chỉ rõ: “việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”.

Nếu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp là biểu hiện cho ý chí của một dân tộc nhỏ, nghèo nàn kiên cường chống lại một đội quân xâm lược nhà nghề mạnh gấp bội phần để bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, thì cuộc chiến tranh chống Mỹ là biểu hiện sức mạnh bảo vệ phẩm giá dân tộc trước những hành động chiến tranh được đẩy đến tột cùng của sự tàn bạo. Một lần nữa ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” - tức độc lập của dân tộc, tự do của mỗi con người - được khẳng định, khơi dậy và chiến thắng.

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc, khiến nền kinh tế cần khôi phục và đổi mới sau hàng chục năm chiến tranh tiếp tục bị ngăn cản. Thêm vào đó, một số quyết định sai lầm bởi tư duy cũ chưa kịp thay đổi đã khiến đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng; đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Thời kỳ này, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng dân tộc Việt Nam đã tỏ nghĩa cử cao đẹp là giúp nhân dân Cambodia chặn đứng họa diệt chủng, và giúp nước bạn sớm hồi sinh. Đất nước đứng vững trước sự bao vây, cấm vận phi lý của các nước phương Tây và giữ vững quyền dân tộc tự quyết càng làm nổi bật bản lĩnh của Đảng.

Từ yêu cầu phát triển đất nước, Đảng đã nhận rõ những hạn chế trong nhận thức, hoạt động và quyết tâm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy lý luận về hàng loạt vấn đề; trong đó có đổi mới nhận thức về thời đại, về chủ nghĩa xã hội và đổi mới về phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới được thiết kế trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, cả về nhận thức lý luận và thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân cả nước. Vì thế, đã tạo được sự đồng thuận trong Đảng, trong cả xã hội và tạo ra những thay đổi có tính cách mạng trong mọi hoạt động của đất nước.

Sự nghiệp đổi mới được Đảng khởi xướng hơn 30 năm, nhưng đất nước chỉ thực sự được hòa bình, xây dựng, phát triển trong hơn 20 năm, nhưng đã đạt những kết quả to lớn: Đã nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội; từng bước hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế; mọi người dân đều được tạo cơ hội ngang nhau về tự do kinh doanh, tự do tìm kiếm việc làm và cơ hội sống ở mọi nơi trong và ngoài nước.

Trên lĩnh vực đối ngoại, đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước từng là “cựu thù”. Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; được bầu vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Gần đây, Việt Nam còn tích cực tham gia giải quyết những vấn đề quốc tế, như các vấn đề chống đói nghèo, chống biến đổi khí hậu, vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng và đang vận hành tốt; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước phát huy vai trò quan trọng trong quản lý và phát triển xã hội; tiềm năng to lớn của khu vực ngoài nhà nước với sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động của đời sống xã hội ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ.

Tiếp tục các quan điểm, chủ trương trước đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh cần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Nhờ có đường lối, chính sách đúng và nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước đã có bước chuyển mình thần kỳ. Chẳng hạn, chỉ sau một thời gian ngắn, từ một nước luôn thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Với sản lượng 43,8 triệu tấn lương thực năm 2018, Việt Nam không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực của đất nước, mà còn dành 6,1 triệu tấn cho xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu - một trong những quyền cơ bản của con người.

Từ định hướng phát triển kinh tế bao trùm, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp… giúp đất nước giải quyết được khoảng 1,62 triệu việc làm mới mỗi năm. Bình quân thu nhập đầu người đã tăng lên 2.800 USD (năm 2019). Sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo cũng đạt thành tựu ấn tượng, từ gần 50% năm 1990 xuống còn 3,73 - 4,23% năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới, chuẩn nghèo đa chiều). Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng; chênh lệch phát triển giữa vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn dần thu hẹp. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bảo hiểm xã hội lên 32,5%, bảo hiểm y tế đạt 89,3%... Với các kết quả đó, Việt Nam được các quốc gia đang phát triển và các tổ chức quốc tế xem là hình mẫu của loại hình quốc gia vươn lên từ nghèo đói, chậm phát triển.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những kết quả to lớn. Vị thế quốc gia đang ngày càng được nâng cao trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tiến trình phát triển đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong những vấn đề đặt ra, có một số vấn đề cần tập trung làm sáng tỏ, đó là: Làm thế nào để tiếp tục bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà phải tốn xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước trong bối cảnh xung đột khu vực và Biển Đông ngày càng trở lên gay gắt? Làm thế nào để vừa thực thi, phát triển dân chủ, bảo đảm tốt các quyền con người, vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, kỷ cương phép nước? Làm thế nào để vừa hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế mà vẫn bảo vệ được chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc?

Gần một thế kỷ đã trôi qua, với trí tuệ, bản lĩnh và sự hiến dâng hết mình vì nền độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân - Đảng Cộng sản Việt Nam đủ sức trả lời những vấn đề đặt ra đối với đất nước trong giai đoạn mới.

Theo: nhandan.com.vn