Thứ 7, 28/12/2024, 04:53[GMT+7]

Góp ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

Thứ 3, 26/02/2013 | 10:33:17
1,098 lượt xem

1. Về bố cục của Hiến pháp:

Nói chung bố cục các chương và sắp xếp thứ tự của từng chương là hợp lý. Tuy nhiên, chương X sắp xếp chung Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước vào cùng một chương là chưa phù hợp vì đây là ba chế định pháp lý quy định chức năng nhiệm vụ của ba cơ quan khác nhau, điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý khác nhau. Vì vậy chỉ nên đưa Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia vào một chương còn đưa Kiểm toán Nhà nước vào một chương riêng vì chức năng của nó hoàn toàn khác về tính chất đối với chức năng của hai cơ quan trên.

2. Về nội dung:

Chương 2: Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 22 đoạn 2: Nghiêm cấm mọi hành vi “tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình” nên quy định cụ thể thêm hai hành vi nữa là “cưỡng ép và hành hạ” vì hai hành vi này cũng xâm phạm nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần con người có thể xảy ra cả trong gia đình và xã hội.

Nên bổ sung thêm một điều vào sau Điều 49: “công dân là thành viên tham gia các tổ chức, đoàn thể có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của các tổ chức đoàn thể đó”. Có như vậy mới đầy đủ vì trong hệ thống chính trị, ngoài Đảng và Nhà nước còn có những đoàn thể mà nhiều công dân tham gia như đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường

Điều 54 đoạn một về tính chất nền kinh tế: Cần khẳng định rõ nền kinh tế Việt Namon> là nền kinh tế thị trường XHCN. Không nên dùng từ định hướng xã hội chủ nghĩa nữa vì đã định hướng từ hiến pháp năm 1992 đến nay rồi.

Đoạn hai về các thành phần kinh tế cần thay cụm từ “cùng phát triển lâu dài” bằng “cùng phát triển bền vững” vì bền vững là vừa lâu dài vừa vững chắc.

Điều 57 về đất đai, tài nguyên, nước, khoáng sản, vùng trời, vùng biển…: dùng cụm từ “thuộc sở hữu toàn dân” là một khái niệm trừu tượng vì chủ thể của quyền sở hữu phải là cụ thể do đó nên sửa là “đất đai, tài nguyên nước… thuộc về nhân dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu…”

Điều 62 đoạn một câu về xây dựng nền y tế: “xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả” nên sửa lại là “xây dựng nền y tế phát triển, hiệu quả và từng bước hiện đại…” bỏ từ công bằng vì tính công bằng được quy định cụ thể trong luật khám chữa bệnh và trong dự thảo hiến pháp đã quy định ở Đoạn 1 Điều 41 Chương 2 với thực trạng nền y tế hiện nay thì phải từng bước hiện đại mới mang tính khả thi.

Điều 64 đoạn hai về phát triển văn học nghệ thuật: Sửa cụm từ “nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” bằng “nhu cầu tinh thần phong phú và lành mạnh của nhân dân” vì khái niệm tinh thần đa dạng là khái niệm xa lạ.

Điều 66 đoạn 1 về giáo dục: “phát triển giáo dục nhằm…” nên bổ sung thêm một mục đích nữa là “đào tạo và xây dựng đội ngũ trí thức khoa học không ngừng lớn mạnh” vì toàn cầu đã và đang phát triển “kinh tế tri thức”.

Điều 68 đoạn 2 về bảo vệ môi trường: sửa cụm từ “nhà nước có cơ chế, chính sách…” bằng “nhà nước ban hành những quy định đồng bộ về cơ chế, chính sách…”. Khẳng định như vậy mang tính trách nhiệm cụ thể hơn.

Chương 4: Bảo vệ Tổ quốc

Điều 71 và 72: cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng” và “công an nhân dân Việt Nam cách mạng” trong hiến pháp chỉ nên dùng cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam” và “công an nhân dân Việt Nam” còn tính chất cách mạng của hai lực lượng này sẽ được thể hiện trong Luật quốc phòng toàn dân và Luật công an nhân dân.

Chương 5: Quốc hội

Điều 79: Về nhiệm vụ, quyền hạn của UB thường vụ Quốc hội nên bổ sung thêm một quyền là trình dự án luật ra trước Quốc hội. Vì Điều 90 cũng quy định Chủ tịch nước, UBTV Quốc hội, Chính phủ… có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội.

Chương 6: Chủ tịch nước

Điều 93 về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước

Điểm 7 Điều 75 của dự thảo hiến pháp chỉ quy định Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ và thẩm phán TAND Tối cao, không quy định phó viện trưởng, kiểm sát viên VKSND do Quốc hội phê chuẩn, nên ở đoạn 3 Điều 93 nếu quy định phải căn cứ vào NQ của Quốc hội để bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cả phó viện trưởng VKSTC và KSV VKSTC là không chuẩn mà vì tự bản thân chủ tịch nước có quyền quyết định việc bổ nhiệm các chức danh này không phải trình Quốc hội phê chuẩn nên tự mình cũng có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh đó.

Chương 7: Chính phủ

Điều 103: Về nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ nên bỏ điểm 5 “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…” vấn đề này nên quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, không nên quy định trong Hiến pháp vì nó là một nội dung thuộc phương thức hoạt động của Chính phủ.

Chương 8: Tòa án nhân dân, VKS nhân dân

Điều 107 về Tòa án nhân dân: cuối đoạn 1 cần ghi cụ thể TAND gồm TAND Tối cao, TAND các cấp và các TA khác do luật định. Vì trong NQ 49 về cải cách tư pháp có định hướng xây dựng Tòa án cấp cao, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án sơ thẩm khu vực. Nếu chỉ quy định gồm TAND Tối cao và các Tòa án khác do luật định sẽ dễ bị hiểu là các Tòa án khác không thuộc hệ thống TAND như tòa án quân sự...

Điều 112 đoạn 2 cũng cần ghi cụ thể VKSND gồm VKSND Tối cao, VKSND các cấp và các VKS khác do luật định để thể chế tinh thần NQ 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp như đối với TAND.

Điều 113 cần ghi bổ sung thêm đoạn 3 là “việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức KSV do luật định” để làm căn cứ hiến pháp cho Luật Tổ chức VKSND.

Chương 9: Chính quyền địa phương

Điều 116 đoạn 1 về HĐND: không nên khẳng định “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. HĐND chỉ là cơ quan đại biểu của dân ở từng địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Quyền lực Nhà nước chỉ tập trung ở cơ quan đại biểu cao nhất của toàn dân đó là Quốc Hội.

Nguyễn Thị Linh Nga

(Thạc sĩ, Phó Chánh án Tòa án nhân dânThành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa