Thứ 7, 24/05/2025, 09:13[GMT+7]

Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ 6, 17/09/2010 | 09:20:13
2,970 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/10/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Bảo vệ Môi trường 2005 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Việc lập và thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được coi trọng

Ở cấp tỉnh đã thực hiện lập báo cáo (đánh giá môi trường chiến lược) ĐMC đồng thời với dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020” trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào tỉnh được thực hiện chặt chẽ từ tiếp nhận dự án đầu tư, gắn với các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

 Trong hoạt động thẩm định đánh giá tác động môi trường đã coi trọng nội dung, chất lượng và thực hiện đúng quy định về phân cấp phê duyệt thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường cho cấp huyện. Năm 2009 đã tiếp nhận, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 63/75 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường  ĐTM, báo cáo ĐTM bổ sung và 10/16 đề án BVMT; ở cấp huyện từ tháng 7/2006 đến hết năm 2009, UBND huyện, thành phố đã tổ chức xác nhận cam kết 383 dự án đầu tư.

Hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được triển khai thực hiện tại 233/265 xã, phường, thị trấn (chiếm 81,4%); các xã đã thành lập tổ vệ sinh tự quản thực hiện thu gom rác thải để xử lý chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 60%; nhiều xã xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

Đến nay đã hoàn thành lập quy hoạch bãi rác một số làng nghề; quy hoạch mạng lưới điểm xử lý rác thải sinh hoạt ở tất cả các xã; đầu tư trang thiết bị phục vụ thu gom rác thải sinh hoạt ở các địa phương, cơ quan nhà nước (hỗ trợ 240 xe thu gom rác thải ở xã, cơ quan, trường học).

Chất thải nguy hại bước đầu được quản lý chặt chẽ, đã xét cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại cho 23 cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế khám, chữa bệnh; lập dự án, đầu tư khu xử lý chất thải rắn nguy hại và thông thường tại khu công nghiệp khí mỏ Tiền Hải; việc phân loại, xử lý chất thải rắn y tế được các bệnh viện thực hiện nghiêm túc (chất thải rắn y tế nguy hại khoảng 5, 2 tấn/tháng, xử lý bằng biện pháp khử khuẩn, đốt; đến nay đã có 13/22 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải công nghệ Nhật Bản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chất thải bệnh viện đã được xử lý đạt 100%).

Việc lập và thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được coi trọng; đến nay đã áp dụng các biện pháp xử lý triệt để 11/13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh, làng nghề phải xử lý từ năm 2003 - 2007 theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, UBND tỉnh quyết định bổ sung 27 cơ sở (gồm 9 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn, 18 bệnh viện công lập về quản lý chất thải bệnh viện) vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để có kế hoạch xử lý triệt để.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường và khắc phục nhanh hậu quả ô nhiễm môi trường do bão lụt, ô nhiễm dầu trên biển, dịch bệnh ở người, gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản cấm khai thác khí tầng nông phục vụ mục đích sinh hoạt.

Tổ chức kịp thời, hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường trong tiêu huỷ gia cầm, lợn tai xanh và dịch tiêu chảy cấp ở người. Đã triển khai thực hiện 3 dự án xử lý chất thải tại bệnh viện Phong da liễu Vân Môn, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản; đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước thải công nghiệp tại khu vực phía Bắc đường Nguyễn Đức Cảnh; lập dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước đô thị; hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và khu công nghiệp Phúc khánh; dự án đầu tư xử lý chất thải Trại tạm giam của tỉnh; hoàn thành dự án xử lý môi trường khu vực kho vũ khí tại xã Tân Bình; di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư ra khu công nghiệp, cụm công nghiệp (thành phố Thái Bình đã chuyển xí nghiệp Đoàn kết, Phương Đông, dệt nhuộm Bình minh, Hồng quân ra khu công nghiệp).

Song song với các hoạt động trên, công tác bảo vệ môi trường đô thị luôn được coi trọng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hoàn thành lập đề án, dự án đầu tư khu xử lý rác thải sinh hoạt gắn với lò đốt rác tại 9 thị trấn; đến nay, đã có 05 huyện lập dự án đang đầu tư xây dựng bãi rác thải sinh hoạt thị trấn (Quỳnh phụ, Thái Thụy, Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà).

UBND Thành phố Thái Bình đã ban hành Quy chế quản lý đô thị (quy định về quản lý trật tự đô thị, sử dụng khai thác các công trình cấp, thoát nước đô thị, quản lý môi trường, cây xanh, công viên và nghĩa trang); triển khai một số đề án: quy hoạch xây dựng công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí; kiện toàn các đội vệ sinh môi trường ở các phường mới thành lập và các xã ngoại thành; duy trì hoạt động của đội thu gom rác thải sinh hoạt ở các phường nội thành; xã hội hoá về công tác vệ sinh môi trường trong thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; duy trì hoạt động nhà máy xử lý rác thải, thu gom xử lý 85% lượng rác thải ở các phường nội thành và một số xã ngoại thành; triển khai lập dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt bằng nguồn vốn ODA.

Hiện nay, toàn tỉnh đã quy hoạch, phát triển 7 khu công nghiệp tập trung (có 6 KCN được Chính phủ phê duyệt đang đầu tư thực hiện) và 15 cụm công nghiệp; Khu công nghiệp. Đài tín đã đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung; hiện nay đang đầu tư nâng công suất và chất lượng xử lý nước thải theo yêu cầu của UBND tỉnh và của các doanh nghiệp trong KCN.

Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và khu công nghiệp Phúc Khánh đang triển khai xây dựng và sắp đưa vào hoạt động. Đa số doanh nghiệp đã đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thủ tục hành chính về môi trường; một số doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải cục bộ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện chương trình IPM; tăng cường các biện pháp thâm canh giảm sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch xây dựng một số vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn xây dựng hầm Biogas sử dụng khí gas giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ; sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn có các làng nghề; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề. Hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt tập trung xử lý chôn lấp được nhiều xã thực hiện nền nếp.

Đặng Phong Ba

(Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)

 

  • Từ khóa