Thứ 6, 27/12/2024, 08:06[GMT+7]

Khi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy

Thứ 2, 25/11/2024 | 09:08:21
2,200 lượt xem
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Dân chủ được phát huy tạo niềm tin, động lực để nhân dân xã Tân Lập (Vũ Thư) chung sức đồng lòng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Năm 2007, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng thiếu dân chủ, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) xảy ra mất ổn định chính trị. Sau bài học đắt giá này, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Đồng chí Thiệu Nam Thái, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thông qua nhiều kênh thông tin, xã chủ động công khai, minh bạch tất cả các nội dung theo quy định như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kế hoạch quản lý, sử dụng đất… để thực hiện quyền “được biết” của nhân dân. Trong các phần việc triển khai của xã, thôn, nhân dân được bàn bạc, quyết định và đóng góp ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành. Xã thành lập ban thanh tra nhân dân, các thôn thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng để phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân. 

Cùng với hỗ trợ của nhà nước, hơn 10 năm qua, nhân dân thôn Trà Động đã đóng góp, hiến đất, ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để cứng hóa, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đường vào nghĩa trang, tu sửa đình chùa... 

Ông Đỗ Ngọc Thuấn, Trưởng thôn cho biết: Mặc dù huy động sức dân khá lớn nhưng bà con luôn phấn khởi, đoàn kết, đồng thuận thực hiện. Điều này có được là do thôn đặc biệt chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mỗi khi triển khai chủ trương, phần việc, bà con đều được thông báo nội dung, được bàn bạc, đóng góp ý kiến. 7 thành viên của ban giám sát đầu tư cộng đồng do nhân dân bầu sẽ trực tiếp quản lý, kiểm tra, giám sát kinh phí, quá trình thiết kế, thi công, bảo đảm chất lượng các công trình phúc lợi của thôn. Sau mỗi công trình, thôn quyết toán công khai, minh bạch các khoản thu, chi, nên nhân dân rất yên tâm, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, từ đó đồng thuận ủng hộ… 

Bà Vũ Thị Mừng, thôn Vô Thái chia sẻ: Tôi nhận thấy trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền xã, thôn đều thông báo, bàn bạc, công khai, minh bạch trước nhân dân, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân. Không khí dân chủ, cởi mở, sôi nổi tạo động lực để chúng tôi phấn khởi bảo nhau đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng, làm đẹp quê hương và phục vụ cuộc sống của chính mình. 

Thực hiện tốt công tác dân chủ tạo động lực để nhân dân xã Chí Hòa (Hưng Hà) thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất, kinh doanh bao bì, túi nilon xuất khẩu của gia đình chị Nguyễn Thị Mái, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà. 

Nhờ thực hiện tốt dân chủ, đến nay, xã Dũng Nghĩa giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hơn 10 năm qua, xã đã huy động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2024.

Cùng với Dũng Nghĩa, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời là nền tảng pháp lý quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được nêu rất chi tiết, rõ ràng, qua đó quyền làm chủ của người dân được phát huy tối đa. Cùng với tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các địa phương đã sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai theo quy định của Luật; chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào chủ trương phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; bàn bạc, đóng góp ý kiến về phương thức, cách làm, cách huy động kinh phí… khi xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng hương ước, quy ước của thôn làng… Mỗi xã, phường, thị trấn đều thành lập ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, thành viên các ban này đều do nhân dân giới thiệu, lựa chọn, quyết định. Tại mỗi địa phương, nhân dân được tạo điều kiện kiểm tra, giám sát trực tiếp hoặc thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ủy ban MTTQ và các đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên tại địa phương, việc quản lý, điều hành, thực hiện các chế độ, chính sách của chính quyền cấp xã. Đặc biệt, những năm gần đây, các địa phương đã duy trì tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở. 

Thực hiện tốt dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã tạo bầu không khí dân chủ ở cơ sở, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo động lực để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 1 xã NTM kiểu mẫu, 36 xã NTM nâng cao, dự kiến có thêm 14 - 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao năm 2024. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở đã góp phần vào thành công của công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công hàng trăm dự án, trong đó có một số dự án quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, quan điểm “lấy dân làm gốc”, coi trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở đã giúp các địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Thực hiện tốt công tác dân chủ, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đổi thay rõ rệt diện mạo nông thôn. 

Quỳnh Lưu