Thứ 3, 07/01/2025, 22:37[GMT+7]

Ủy Ban MTTQ tỉnh: Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội

Chủ nhật, 05/01/2025 | 20:44:40
1,001 lượt xem
Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh chú trọng lựa chọn nội dung, đối tượng, hình thức giám sát phù hợp, coi đây là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới hoạt động của MTTQ, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc giải quyết vụ việc thi hành án dân sự kéo dài tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kiến Xương.

Từ năm 2023 đến nay, thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng) đã hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa 2 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, có 3 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, có 2 hộ đã thoát nghèo. Qua rà soát, năm 2024 thị trấn còn 7 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,52% và 10 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,75%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hỗ trợ tiền điện theo quy định; 100% trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học được hỗ trợ và miễn giảm học phí. 

Bà Tô Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn cho biết: Công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ và có sự tham gia của người dân, không chạy theo thành tích, phản ánh đúng thực tế tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn... được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ thị trấn đã thực hiện 9 cuộc giám sát các vấn đề nhân dân quan tâm; các tổ hòa giải ở khu dân cư đã phát huy tốt vai trò, tổ chức hòa giải thành công 13/14 vụ mâu thuẫn. 

Thành viên đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại xã Duy Nhất (Vũ Thư). 

Đối với người dân 9 xã của 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải có địa bàn giáp ranh với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, những năm qua, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, hàng năm các cơ quan liên quan đã tổ chức giám sát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại các nhà máy này. Gần đây nhất, vào tháng 10/2024, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện ban thanh tra nhân dân của 9 xã trên đã tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tác động ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình vận hành của các nhà máy trong 9 tháng năm 2024. 

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Qua giám sát thực tế quy trình xử lý chất thải, khí thải, nước thải; hệ thống quan trắc tự động và các chỉ số quan trắc về môi trường... đoàn giám sát đề nghị các nhà máy tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, vệ sinh khu vực chứa chất thải, nước thải để bảo vệ môi trường ngay trong chính doanh nghiệp cũng như có các giải pháp giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất. 

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện 4 nội dung giám sát và tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội vào các dự thảo: Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và người hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình; đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2029 và những năm tiếp theo. Đối với ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, đã tổ chức 21 cuộc giám sát, 10 cuộc phản biện; cấp xã tổ chức 382 cuộc giám sát, 184 cuộc phản biện. Cùng với đó, hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn được đẩy mạnh. Trong năm đã tổ chức 561 hoạt động giám sát, kịp thời kiến nghị, xác minh nhiều vụ việc liên quan đến việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương, qua đó góp phần phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân. Toàn tỉnh duy trì 1.797 tổ hòa giải ở cơ sở với 12.448 thành viên, trong năm đã hòa giải 1.721 vụ với số vụ hòa giải thành công 1.231 vụ, đạt 71,5%. 

Năm 2024, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và theo chuyên đề. Theo đó, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 24 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội; 32 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện; 2.355 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND cấp xã. Qua đó, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thường trực HĐND cùng cấp và MTTQ cấp trên. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cấp, các ngành trả lời, giải quyết và phúc đáp kết quả, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thông qua hoạt động này, nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước các cơ quan hành chính trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện, thiết thực với cuộc sống, phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn. 

Đặng Anh