Thứ 2, 29/07/2024, 09:15[GMT+7]

Đoàn Đại biểu Quốc hội Lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật

Thứ 5, 14/10/2010 | 09:01:38
2,090 lượt xem
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII, trong ba ngày từ 5 đến 7-10- 2010, Đoàn ĐBQH Thái Bình đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật Khoáng sản; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật Thanh tra.

Dự hội thảo là các vị đại biểu thuộc đoàn ĐBQH Thái Bình; các cộng tác viên pháp luật của Đoàn; đại diện các sở ngành liên quan; trưởng các ban HĐND và các đồng chí chuyên viên văn phòng đoàn ĐBQH. Đồng chí Phạm Xuân Thường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì hội thảo. 

 

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, nhiều chiều cả trực tiếp và bằng văn bản. Trong đó các dự thảo luật được quan tâm thảo luận nhiều là Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật viên chức... Đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ý kiến tập trung vào thay đổi bố cục và bổ sung một số nội dung như đối với hành vi bị cấm, đưa thêm: cấm làm sai lệch chức năng hàng hoá; Cấm email, tin nhắn điện thoại quảng cáo không trung thực gây rối đối với người tiêu dùng; cần bổ sung vấn đề hàng giả, hàng nhái bên cạnh hàng khuyết tật.

Về đối tượng áp dụng thuế: nên bổ sung làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất vào cụm từ “tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ”. Về thời gian, các đại biểu góp ý luật cần đưa ra quy trình giải quyết tranh chấp hoà giải cụ thể hơn khi người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi... Đối với Luật Bảo vệ môi trường, điều Ba quy định về đối tượng chịu thuế, có hai luồng ý kiến khác nhau là bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế và bỏ quy định đối tượng chịu thuế cụ thể tại luật mà chỉ quy định đối tượng gây ô nhiễm môi trường thì phải chịu thuế. Về người nộp thuế quy định trong điều 5, nhiều ý kiến góp ý nên bổ sung cả nhóm cá nhân.

 Đối với Luật Viên chức, các ý kiến góp ý nhiều là cần sớm có một số hướng dẫn rõ ràng; đối tượng ưu tiên thêm: người có công, có tài, dân tộc thiểu số và đề nghị đưa vào luật nội dung: đã thử việc thì thôi không phải thực hiện thời gian tập sự. Đối với Luật Thanh tra, đa số ý kiến nhất trí phương án có thanh tra chuyên ngành ở tổng cục, cục; nhưng bổ sung thêm chức năng quản lý của thanh tra tổng cục; bổ sung điều 37: thêm nội dung mở rộng các hình thức công khai kết luận thanh tra...

Đồng chí Phạm Xuân Thường thay mặt đoàn ĐBQH Thái Bình đã ghi nhận toàn bộ ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật để tổng hợp, chọn những ý kiến chung nhất gửi tới Quốc hội tại kỳ họp tới.

 Hà Dung

  • Từ khóa