Thứ 3, 23/07/2024, 00:24[GMT+7]

Dân vận khéo việc gì cũng thành công

Thứ 5, 14/10/2010 | 16:08:19
2,264 lượt xem

Các điển hình dân vận khéo giao lưu tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Dân vận. Ảnh: PHI THÀNH

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Dân vận (15/10/1930- 15/10/2010), Ban Dân vận Tỉnh ủy vừa tổ chức tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2009- 2010.

 

Hội trường nhà Văn hóa lao động như ấm hơn lên, tươi tắn hơn và cũng nhiều niềm vui hơn khi có sự xuất hiện của 80 tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”. Mỗi người tuy có một hoàn cảnh, cuộc sống, nghề nghiệp, khó khăn, trăn trở khác nhau, song hiện diện trong họ là tấm lòng trong sáng, tinh thần tận tụy, cần mẫn phục vụ nhân dân. Chính từ trách nhiệm với dân mà họ đồng cảm, chia sẻ với những bức xúc của nhân dân, trăn trở với những vấn đề của xã hội...

 

Đồng chí Phạm Văn Xuyên - Bí thư Huyện ủy Tiền Hải chia sẻ: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể huyện Tiền Hải đã coi trọng xây dựng, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với cộng đồng dân cư, với việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

 

Nhờ đó mà 2 năm qua, mặc dù nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn nhưng kinh tế Tiền Hải vẫn phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng 16,5%, trên mức bình quân chung của tỉnh; 50% diện tích cấy giống lúa chất lượng cao; mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản tăng nhanh và mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống kinh tế- xã hội trên địa bàn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

 

Từ các mô hình đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Cũng qua mô hình “Dân vận khéo” đã từng bước thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình phúc lợi, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc trong nhân dân không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

 

Còn anh Bùi Ngọc Hiến- Chủ tịch Hội nông dân xã Trọng Quan huyện Đông Hưng thì nói nhiều đến kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất xây dựng mô hình nông thôn mới. Trọng Quan là 1 trong 8 xã được tỉnh chọn xây dựng điểm mô hình nông thôn mới. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với Trọng Quan là quỹ đất ít, khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch sản xuất tập trung. Hơn nữa tâm lý của người dân sau một thời gian dài gắn bó với với mảnh ruộng được giao không muốn thay đổi.

 

Xác định được nhiệm vụ đó, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ xã, Hội nông dân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khác tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về sự cần thiết và lâu dài của vấn đề dồn điền đổi thửa. Cách làm chính của Hội là “đi từng ngõ, gõ của từng nhà” để vận động bà con.

 

Cán bộ xã luôn xác định phương châm: “Làm dân vận là phải sáng tạo, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa thực hiện dân chủ ở cơ sở với phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên”. Vì vậy, số người tham gia hiến đất ngày một tăng, người dân từng bước hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới. Nhờ vậy mà trong một thời gian ngắn đã vận động mỗi hộ hiến 50 m2 đất, toàn xã hiến 14,7 ha để xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, và các công trình phúc lợi khác.

 

Tròn 10 năm làm công tác khuyến học thôn Bắc Sơn xã Quỳnh Thọ, ông Nguyễn Đăng Nhạc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm giúp chi hội khuyến học của thôn ngày càng lớn mạnh. Để có được thành tích 1 tiến sỹ, 3 thạc sỹ, 61 đại học và hàng trăm người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đặc biệt là trong năm học vừa qua thôn có 2 học sinh đỗ thủ khoa trường đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Hội và Học viện kỹ thuật Quân sự có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân ông Nhạc.

 

10 năm về trước, thôn có 240 hộ nhưng chỉ có 80 hộ tham gia chi hội khuyến học và mọi người cũng không mặn mà với hoạt động của chi hội. Đứng trước thực trạng đó, là chủ tịch chi hội ông trăn trở, suy nghĩ tìm ra cách để giúp người dân trong thôn hiểu được giá trị của tri thức.

 

Hàng ngày ông đến từng gia đình động viên các cháu hăng say học tập cùng với đó ông đã huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm hay tranh thủ đi gặp bà con quê hương về quê ăn tết để vận động họ giúp đỡ. Ông tâm sự: Tôi luôn thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nên càng làm tôi càng thấm thía “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Nhờ vậy, công tác khuyến học, khuyến tài của thôn đã hoạt động hiệu quả, đúng hướng, xây dựng được 3 phong trào: Gia đình hiếu học, dòng họ và thôn văn hóa hiếu học. Trên 80% hộ gia đình tham gia sinh hoạt trong Chi hội khuyến học của thôn. Trong năm học 2008- 2009, được sự ủng hộ của các gia đình, dòng họ, Chi hội đã tổ chức mời thầy dạy học thêm cho các em, có 58 em tham gia lớp học thì 54 em trúng tuyển đại học.  

 

Đó chỉ là 3 trong số 80 mô hình, điển hình - họ là những bông hoa đẹp, những tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực lãnh đạo quản lý, lao động sản xuất, học tập, giảng dạy, tình nguyện... được ban Dân vận Tỉnh ủy vinh danh trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Dân vận. Chính từ sự xung phong, “miệng nói tay làm” của các điển hình, đã tập hợp được quanh mình những đồng nghiệp, người thân, bạn bè, hàng xóm cùng tham gia, góp thành “lực lượng toàn dân” hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

 

Khó mà đong đếm hết nỗi vất vả, khó khăn lẫn niềm vui của những người làm công tác dân vận khi đưa một học sinh hư trở lại lớp học, giúp một người lầm lỗi trở về con đường hướng thiện, giúp được một hộ thoát nghèo hay thoát khỏi tử thần nhờ những giọt máu hồng...

Minh Nguyệt

  • Từ khóa