Thứ 6, 02/08/2024, 03:27[GMT+7]

Kiến Xương: Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo

Thứ 4, 29/07/2015 | 08:45:49
981 lượt xem
Đảng bộ huyện Kiến Xương có 10.678 đảng viên, sinh hoạt ở 68 tổ chức cơ sở đảng. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện luôn coi trọng và thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Làm đường giao thông nội đồng ở xã Minh Tân (Kiến Xương). Ảnh: Minh Đức.

 

5 năm qua, toàn huyện có 19 đảng bộ xã, thị trấn biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ. Tính đến nay, có 32/37 xã, thị trấn đã phát hành lịch sử đảng bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện 20 nghị quyết của cấp ủy cấp trên và cấp mình; gắn triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về  xây dựng Đảng hiện nay” với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, những hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã được các tổ chức cơ sở đảng trong huyện quán triệt, triển khai đồng bộ, tạo luồng sinh khí mới, thẩm thấu, lan tỏa và tạo thành hành động cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng đã thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng của địa phương. Công tác giáo dục lý luận chính trị được coi trọng. Toàn huyện đã mở 15 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 10 lớp bồi dưỡng đảng viên mới, 5 lớp sơ cấp lý luận chính trị, 60 lượt hội nghị báo cáo viên cơ sở...

 

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trọng tâm của công tác tuyên giáo ở Kiến Xương vẫn là tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Đảng, do vậy cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, đặc biệt là phương pháp trao đổi, đối thoại trong quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo tính hấp dẫn, thuyết phục, hiệu quả với phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện để tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để nhân dân đồng tâm, nhất trí thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Nắm vững tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Định hướng công tác tư tưởng, giải đáp những vấn đề mới nảy sinh từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng” tư tưởng, kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tạo ra sức “đề kháng”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng. Cấp ủy huyện, các địa phương cần có chính sách quan tâm để lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng cho trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện, động viên nhiều hơn nữa về vật chất và tinh thần để đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo yên tâm công tác, tự hào với nghề nghiệp của mình, là những chiến sĩ giỏi trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng. Công tác tư tưởng vốn nhạy cảm, phức tạp, nhiệm vụ quan trọng là “đi trước” mở đường về nhận thức, “đi cùng” triển khai thực hiện, “đi sau” tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tác động đến tư tưởng và sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm. Vì vậy, đòi hỏi những người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải nói thông, viết thạo, có tâm trong sáng. Bác Hồ từng đã chỉ rõ: “Một tấm gương sáng còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bên cạnh đó, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ làm công tác tuyên giáo cần có bản lĩnh chính trị, có dũng khí với phương châm “Trung thành, nhân ái, sáng tạo, hiệu quả”.

Lương Thị Kim Oanh

(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiến Xương)

 
  • Từ khóa