Thứ 6, 02/08/2024, 13:27[GMT+7]

Bản lĩnh Thái Bình

Thứ 5, 24/09/2015 | 09:39:48
1,355 lượt xem

Nút giao thông Phúc Khánh (thành phố Thái Bình). Ảnh: Trịnh Cường

THÁI BÌNH: NĂNG ĐỘNG - SÁNG TẠO

Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa quê lúa phát triển toàn diện. Nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm khai thác nguồn lực trong dân và thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài được ban hành và phát huy tối đa để tạo bước đệm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nền kinh tế của Thái Bình nhờ vậy mà có những bước tiến khá vững chắc. Từ một tỉnh thu ngân sách đạt thấp, đến năm 2015, Thái Bình đã trở thành tỉnh có số thu ngân sách ước đạt hơn 4.820 tỷ đồng. Tất cả như những gam màu tươi sáng, điểm tô vào bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Với lợi thế của một tỉnh có nguồn nhân lực phong phú, có Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Trường Đại học Thái Bình, 3 trường cao đẳng, trên 40 trường trung cấp và cơ sở đào tạo nghề, Thái Bình đã quy hoạch phát triển 15 khu công nghiệp tập trung và 43 cụm công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 540 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với số vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng, trong đó có 390 dự án đang sản xuất, tạo việc làm cho trên 110.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 81%.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận thị trường, sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm của Đảng: "Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt", những năm qua, nhất là từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến nay, Thái Bình xác định: Muốn hội nhập, phát triển bền vững, thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Bình thì điều kiện tiên quyết là có cơ chế, chính sách phù hợp; tiếp đó, cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông nhằm làm lành mạnh hóa nền hành chính công, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư, đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển của Thái Bình đã kết nối liền mạch với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác như: Quảng trường Thái Bình, Tượng đài "Bác Hồ với nông dân"; cầu và đường vượt sông Hồng nối Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu Tịnh Xuyên; cầu Hồng Quỳnh cùng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác đã hoàn thành và đang triển khai thi công sẽ giúp Thái Bình ngày càng hội nhập sâu rộng hơn trên chặng đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Cụm công nghiệp Thái Thọ, huyện Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh

Đúng như lời khẳng định của đồng chí Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Sau cầu Tân Đệ, cầu Triều Dương, cầu Nghìn..., Thái Bình đã phá thế ốc đảo và cách biệt với bên ngoài. Giờ đây, Thái Bình tự hào là tỉnh có tốc độ cứng hóa đường giao thông nông thôn nhanh nhất cả nước. Hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện đã và đang mở ra cơ hội để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế và hội nhập cùng cả nước.

Ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình công suất 1800MW tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy với số vốn hơn 2 tỷ đô la Mỹ; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat; Dự án hệ thống thu gom, phân phối khí mỏ để bổ sung nguồn khí đốt ngoài khơi vào bờ. Đặc biệt, Thái Bình có bể than nâu chất lượng cao, trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn, nằm ở độ sâu trên 300m. Trước vận hội đó, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khai thác thử nghiệm và thăm dò trữ lượng từ năm 2015. Việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng lớn này trong tương lai sẽ tạo cơ hội cho Thái Bình phát triển mạnh ngành năng lượng, hóa chất và các ngành liên quan khác.

Cùng với phát triển kinh tế theo hướng bền vững, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Những thành tựu quan trọng mà Thái Bình đạt được trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tính sáng tạo của mỗi người dân ở mảnh đất "rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ" này.

Đất đai Thái Bình được thiên nhiên ban tặng khá màu mỡ, lại được người dân đời này sang đời khác nâng niu, gìn giữ và gắn bó sâu nặng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại sự đổi thay cả về chất và lượng đối với đời sống, sản xuất của người dân nông thôn. Phát triển kinh tế biển, quyết tâm làm giàu từ biển, động viên ngư dân bám biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... trở thành mục tiêu mà Thái Bình hướng đến.

Với những người con Thái Bình xa quê lâu ngày nay có dịp trở lại hay với du khách xa gần mỗi khi có dịp về thăm thì hình ảnh một Thái Bình đang vươn mình hội nhập đã trở thành ấn tượng khó phai mờ.

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Một trong những nguyên nhân giúp ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách những năm qua là do có sự chỉ đạo chặt chẽ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Truyền thống hiếu học của người Thái Bình được thể hiện ở chỗ, càng trong khó khăn thì tinh thần, nghị lực và sự học của người Thái Bình càng được coi trọng và càng tỏa sáng. Năm học nào, học sinh Thái Bình cũng đạt giải. Kỳ thi quốc gia nào cũng có học sinh người Thái Bình đạt kết quả cao. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình tự hào vì đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước, làm ngời sáng phẩm chất vốn có của người Thái Bình.

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương

Thái Bình đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,3 tỷ đô la Mỹ trong năm 2015, là kết quả của tinh thần bền bỉ vượt khó trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động. Nếu không năng động, dám nghĩ, dám làm, chủ động hội nhập và tìm thị trường, giữ chữ tín với khách hàng truyền thống và khách hàng tiềm năng thì khó mà đạt được con số ấn tượng như vậy.

Tuấn Dung - Trần Nam

  • Từ khóa