Thứ 7, 04/05/2024, 18:33[GMT+7]

Phong trào thi đua yêu nước: Sôi nổi, thiết thực, hiệu quả

Thứ 2, 11/06/2018 | 08:45:23
1,715 lượt xem
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Từ đó đến nay, tư tưởng thi đua ái quốc của Bác đã trở thành động lực động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt khó, đổi mới, sáng tạo, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nhân Công ty TNHH Điện cơ AIDI (khu công nghiệp Gia Lễ) thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Đồng chí Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh cho biết: Yêu nước ngày nay là phải tiến tới hiện đại hóa, thực thi dân chủ, tôn trọng các quyền, nghĩa vụ của các thành phần kinh tế, đặc biệt là quy luật về lợi ích nhưng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả. Thời gian qua, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã bám sát các chủ trương, quy định của trung ương, chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản về công tác thi đua - khen thưởng một cách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng phối hợp tổ chức các phong trào thi đua sát với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương với nội dung, mục tiêu cụ thể gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện, phát hiện những mô hình mới, cách làm hay, tập trung tuyên truyền, nhân rộng. Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các cấp, các ngành, các địa phương đều hưởng ứng tích cực bằng nhiều phong trào sôi nổi, thiết thực, lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Những năm qua, Thái Bình là một trong những tỉnh được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá cao vì có nhiều đổi mới, tổng hợp được các kinh nghiệm làm thi đua của các tỉnh bạn áp dụng sáng tạo vào địa phương, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Thái Bình có nhiều điển hình được Trung ương khen thưởng, nhiều thương hiệu của tỉnh được cả nước biết đến, góp phần quảng bá hình ảnh Thái Bình ra nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Xa trung tâm huyện, xuất phát điểm thấp song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, đến nay, xã Thái Thuần (Thái Thụy) đã hoàn thành 18/18 tiêu chí nông thôn mới. 

Ông Hoàng Văn Đương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Để xây dựng nông thôn mới thành công, cấp ủy, chính quyền xã tuân thủ nghiêm ngặt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng thụ”, tập trung thực hiện trước các tiêu chí khó, tác động trực tiếp đến người dân, các nhóm tiêu chí nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân. Vì vậy, sau 7 năm, Thái Thuần đã huy động được gần 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và huy động nguồn xã hội hóa trên 10 tỷ đồng, bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn; xây dựng mới nhà văn hóa xã, 3 nhà văn hóa thôn, trạm y tế; sửa chữa, nâng cấp sân trụ sở xã, xây mới, sửa chữa các trường học đạt chuẩn quốc gia. Kinh tế của xã có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48%. Tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch đạt 98,8%.

Thái Bình vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới với 200 xã về đích và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có những tấm lòng cao cả góp công, góp của cùng địa phương thực hiện các tiêu chí khó. Điển hình như bà Đinh Thị Nụ, thôn Trần Phú (xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà), là vợ liệt sĩ, đã vận động con cháu ủng hộ kinh phí làm 3 trục đường bê tông, ủng hộ các thôn còn lại làm đường với chiều dài trên 400m, trị giá gần 300 triệu đồng. Bà đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng ghi công, được vinh danh trong lễ tuyên dương điển hình phong trào thi đua năm 2017, là tấm gương cho nhiều người học tập và noi theo.

Những năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã phát động sâu rộng các phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”... Thông qua các phong trào thi đua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (xã Tây An, huyện Tiền Hải) là một trong những điển hình như thế. Bà Ngắn cho biết: Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm ổn định cho gần 8.000 lao động tại doanh nghiệp và lao động vệ tinh trong tỉnh cùng một số tỉnh bạn với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp của tôi cũng góp phần tiêu thụ sản lượng cói lớn trong vùng và các sản phẩm nông nghiệp khác như bẹ ngô, bèo bồng, mây, tre... 

Không chỉ tạo việc làm, nâng thu nhập cho người lao động, bà Ngắn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, làm sống dậy nghề mây tre đan của địa phương, đưa thương hiệu cói Việt Nam ra thế giới. Năm 2016 bà được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Vừa qua, bà là 1 trong 70 điển hình tiên tiến được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng.

Cô và trò Trường Mầm non Tây Giang (Tiền Hải) thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhớ lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước”, những năm qua, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh đã làm mọi việc có thể để chia sẻ nỗi đau da cam. 

Ông chia sẻ: Nhìn đồng đội và con cháu đồng đội giữa hòa bình vẫn đang từng ngày gánh chịu nỗi đau da cam tôi không thể yên lòng nghỉ ngơi được. Hàng ngày, tôi vẫn cùng các cấp hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng quà, hỗ trợ trang thiết bị, thuốc... cho hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam/Điôxin; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm con em nạn nhân. Các nạn nhân chất độc da cam được ông và cộng đồng chăm sóc phần nào đã vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

5 năm qua, toàn tỉnh có trên 12.500 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực được khen thưởng. Đó chính là động lực để các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải đi đua”, xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thu Hiền