Thứ 6, 03/05/2024, 09:17[GMT+7]

Hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Thứ 2, 05/11/2018 | 08:30:01
696 lượt xem
Dự kiến, từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2019, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh của 10 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Thái Bình sẽ thực hiện thí điểm hợp nhất thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát việc quản lý di tích tại đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Thuận lợi khi sáp nhập

Văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Chánh Văn phòng điều hành toàn bộ công việc của Văn phòng và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo lĩnh vực được giao. Văn phòng chung tương đối độc lập trong công tác tham mưu phục vụ hoạt động của từng chủ thể. Là tỉnh được lựa chọn thí điểm để hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh, Thái Bình có nhiều thuận lợi hơn một số địa phương khác. 

Ông Đinh Văn Chức, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho biết: Các tỉnh thì trụ sở của Đoàn ĐBQH tỉnh nằm một nơi, trụ sở HĐND tỉnh, UBND tỉnh riêng nhưng đối với Thái Bình 3 cơ quan này ở chung một trụ sở nên việc bố trí cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, thông tin liên lạc phục vụ công việc của cán bộ, công nhân viên cũng tương đối thuận lợi. Hơn nữa, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh trước đây đã từng là một nên hầu hết cán bộ văn phòng đều đã có kinh nghiệm phục vụ cơ quan dân cử. 

Là chuyên viên của Văn phòng HĐND tỉnh, chị Trần Thị Thanh Nga được giao tham mưu giúp việc cho lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách và phụ trách huyện Tiền Hải. Sau khi hợp nhất, công việc mà chị Nga đảm nhận sẽ tăng thêm nhưng chị cảm thấy không có thêm áp lực bởi công việc ở Văn phòng HĐND tỉnh có nhiều nét tương đồng với công việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Chị Nga cho biết: Trước và sau kỳ họp, HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri các huyện, thành phố, tổ chức hoạt động giám sát; trong kỳ họp thực hiện các hoạt động chất vấn, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri... Nếu sáp nhập, chuyên viên các văn phòng tiếp cận công việc mới, lĩnh vực mới cũng không bị bỡ ngỡ hay khó khăn nhiều. Còn cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng việc hợp nhất 3 văn phòng là chủ trương đúng và cần thiết. Khi hợp nhất lại sẽ giảm được 2 vị trí chánh văn phòng cùng với đó là số lượng cấp phó phòng cũng giảm theo. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của văn phòng do một đầu mối quản lý sẽ tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc sử dụng nguồn kinh phí đối với các hoạt động chung. Như vậy, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng có nhiều thuận lợi cơ bản sẽ góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương.

Tránh sáp nhập “cơ học”

Chủ trương hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh là đúng song cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh đều ủng hộ cao chủ trương hợp nhất 3 văn phòng nhưng họ vẫn có những suy tư, trăn trở vì họ không biết cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau khi chủ trương được thực hiện. 

Theo ông Đoàn Mạnh Huân, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, cán bộ, nhân viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh băn khoăn khi sáp nhập 3 văn phòng sẽ có một số vị trí bị dôi dư, việc sắp xếp số cán bộ, nhân viên dôi dư hành chính đó như thế nào, chế độ, chính sách ra sao? Trong quá trình sắp xếp có đúng với mục đích đề án đã đề ra là sẽ bảo đảm được chế độ, chính sách cho người lao động để khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn. 

Còn Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh ông Đinh Văn Chức cho rằng, dao động, lo lắng trước một chủ trương mới, một cách làm mới là điều bình thường. Quan trọng là cần làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Vì thế, thời gian qua HĐND tỉnh đã quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập nên hầu hết họ đồng thuận, nhất trí cao... 

Song ông Chức cũng cho biết: 3 văn phòng chỉ có nét tương đồng trong công tác hành chính, tổ chức, quản trị nhưng lại có nhiều điểm khác biệt trong công tác tham mưu. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thì tham mưu cho cơ quan dân cử, còn Văn phòng UBND tỉnh lại tham mưu cho cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ giao và thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh ban hành. Văn phòng chung sau hợp nhất sẽ đảm nhận cả 2 công việc trên thì có bảo đảm tính khách quan, hiệu quả công việc liệu có được nâng cao? Cùng với đó, cần phải xem xét đầy đủ chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp quy định, bảo đảm cho người lao động, cán bộ, công chức trong diện dôi dư phải luân chuyển công tác khi tiến hành hợp nhất.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị chu đáo cả về nhân sự, trang thiết bị... cho việc sáp nhập 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND và UBND tỉnh. Song để sau sáp nhập văn phòng chung hoạt động hiệu quả, không bị chồng chéo Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể, thấu đáo hơn nữa.

Thu Hiền