Thứ 5, 25/07/2024, 21:57[GMT+7]

Làm thế nào để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp?

Thứ 6, 16/03/2012 | 15:44:43
3,157 lượt xem
Vừa qua, tại huyện Tiền Hải, thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm và bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp... với thường trực HĐND các huyện, thành phố. Bài viết này, xin được lược ghi ý kiến của các đại biểu dự toạ đàm.

Cử tri tìm hiểu, lựa chọn người đủ đức, tài làm đại biểu cho mình. Ảnh: Ngọc Linh

Đúng như đề dẫn của đồng chí Đặng Thanh Giang uỷ viên thường trực HĐND tỉnh thì: Hoạt động tiếp xúc cử tri là một trong những hình thức hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND, là cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri và cơ quan nhà nước. Thông qua hoạt động này, cử tri có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc diễn ra ở địa phương, đơn vị, để giải quyết những vấn đề bức xúc diễn ra ở địa phương, đơn vị, để giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện có nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, so với quy định và mong muốn của cử tri và nhân dân thì những nội dung này vẫn còn nhiều hạn chế như: Việc bố trí, sắp xếp địa điểm tiếp xúc cử tri phần lớn chỉ dừng lại theo đơn vị bầu cử. Hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, phong phú; chủ yếu là tiếp xúc trước hoặc sau các kỳ họp thường lệ, chưa tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực và tại nơi cư trú... Cử tri tham gia chủ yếu là đại diện các tổ chức, đoàn thể và cán bộ công chức; cử tri ở các thôn, tổ dân phố tham gia chưa nhiều. Chất lượng ý kiến của cử tri chưa cao; phần lớn chỉ dừng lại ở ý kiến cá nhân; chưa có nhiều đóng góp xây dựng chủ trương, chính sách lớn.

 

Một số đại biểu HĐND chưa tích cực tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri. Công tác điều hành, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri còn nhiều vấn đề phải được quan tâm. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của một số sở, ngành, địa phương chưa kịp thời, trách nhiệm chưa cao. Nhiều kiến nghị kéo dài qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chưa được giải quyết, tình trạng đùn đẩy, né tránh còn xảy ra. Vì thế, yêu cầu của toạ đàm là làm rõ 5 vấn đề là: Công tác phối hợp, các hình thức tiếp xúc cử tri, cách điều hành, tổng hợp ý kiến và theo dõi đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri...

 

Theo bà Ngô Thị Mịn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thái Thụy thì thực trực lâu nay có chuyện: Cử tri chuyên nghiệp nên tính đại diện không cao; chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri chưa được như mong muốn; tính hình thức trong tiếp xúc cử tri khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng trên, từ nhiệm kỳ 2011- 2016, qua hai kỳ họp HĐND huyện Thái Thụy đã có nhiều cải tiến như: Trước khi tiếp xúc cử tri, gửi báo cáo để cử tri nghiên cứu trước, gợi ý những vấn đề đưa ra bàn tại kỳ họp và xin ý kiến cử tri.

 

Tại kỳ tiếp xúc cử tri, tổ đại biểu nơi đó gợi ý nội dung để cử tri phát biểu. Sau cuộc tiếp xúc cử tri, tổ đại biểu HĐND họp lại để xem xét các ý kiến cử tri, tổng hợp ý kiến gửi về huyện, văn phòng HĐND tổng hợp phân loại các ý kiến ra công văn của thường trực gửi về điểm tiếp xúc cử tri. UBND huyện trực tiếp trả lời hoặc giao cho các phòng ban chức năng trả lời tuỳ theo nội dung và vấn đề cử tri kiến nghị. Những ý kiến nào có tính phổ biến thì trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Qua hai kỳ tiếp xúc cử tri, bằng việc đổi mới nội dung, hình thức nên chất lượng được nâng cao nhưng theo bà Ngô Thị Mịn thì vẫn phải tiếp tục cải tiến để các cuộc tiếp xúc cử tri có kết quả cao hơn.

 

Còn theo đại diện Thường trực HĐND thành phố Thái Bình thì 5 nguyên nhân hạn chế tác động đến chất lượng tiếp xúc cử tri mà đề dẫn của Thường trực HĐND tỉnh nêu là đúng với thực trạng ở thành phố. Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 HĐND thành phố đang tập trung thực hiện 6 giải pháp là: Việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri phải cụ thể, thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri có điều kiện tham gia. Dành nhiều thời gian để cử tri đề xuất nguyện vọng, kiến nghị, không kết thúc khi cử tri đang còn ý kiến. Có quy chế phân công trách nhiệm cụ thể của Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ các phường, xã tổ đại biểu HĐND.

 

Ngoài các cuộc tiếp xúc thường lệ trước kỳ họp, có tiếp xúc chuyên đề để đại biểu nắm bắt nhiều hơn  tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Khuyến khích đại biểu HĐND chủ động tác nghiệp tiếp xúc cử tri độc lập, hạn chế dần cách tiếp xúc tập thể, vai trò chính chỉ dồn vào một đại biểu. Công tác tổng hợp phải kịp thời, đầy đủ, chính xác; Phân công cán bộ trực tiếp phụ trách đôn đốc, theo dõi việc giải quyết, trả lời.

 

Thường trực HĐND huyện Kiến Xương cho rằng. Gần đây, việc tiếp xúc cử tri ở Kiến Xương đã được mở rộng gồm: cử tri là công nhân, nông dân, chủ doanh nghiệp... rất ít cán bộ cơ sở, để khắc phục tình trạng cử tri chuyên nghiệp. Nguyên tắc đặt ra là: kỳ trước tiếp xúc ở đâu thì kỳ sau tiếp xúc ở đó, để cử tri chất vấn những điều đã kiến nghị từ lần trước. Cũng có cử tri đề nghị thư ký phải do cử tri bầu ra, sợ thư ký chuyên nghiệp không phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri. Ở Kiến Xương, không còn tình trạng cử tri lợi dụng diễn đàn để phát ngôn thiếu xây dựng hoặc đưa ý kiến cá nhân...

 

Ông Đỗ Xuân Thành, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hưng, đồng tình cao với 5 hạn chế như đề dẫn. Ông phản ánh: có những cuộc tiếp xúc cử tri đến không đông, do các kiến nghị không được giải quyết và thực tế có vấn đề rất khó giải quyết. Ông Thành đề nghị: người tiếp thu ý kiến cử tri không chỉ tiếp thu một cách thụ động máy móc, mà phải có sự phân tích giải trình trên cơ sở pháp luật để dân hiểu vấn đề mình kiến nghị có khả thi không. Cần đề cao trách nhiệm của người đại biểu ngay trên lĩnh vực mình phụ trách. Ông nhất trí cao việc cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND là cần thiết. Hình thức tiếp xúc cử tri nên chỉ hai cấp: tỉnh và huyện.

 

Còn theo ông Vũ Đức Hạnh, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà, đưa ra ý kiến cho rằng: Tiếp xúc cử tri phải đạt được hai điều quan trọng: cử tri được nói tâm tư nguyện vọng và cả bức xúc của mình. Tiếp thu trả lời sao cho họ ưng... thế là thành công. Rồi ông kể hai câu chuyện của hai lần tiếp xúc cử tri, mà ông tham dự. Các tình huống nêu ra đòi hỏi người tiếp thu phải có bản lĩnh, có nhãn quan chính trị và hiểu được “cái bên trong” của cử tri đang kiến nghị.

 

Thẳng thắn hơn là ý kiến của đại biểu Thường trực HĐND huyện Vũ Thư, bà cho rằng: Lâu nay cử tri không mặn mà với các cuộc tiếp xúc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó không chỉ bao hàm tính hình thức, mà còn có cả việc giám sát, phản ánh của đại biểu HĐND với cơ quan chức năng không kịp thời, không đi đến tận cùng của vấn đề cử tri nêu.

 

Còn đại biểu Thường trực HĐND huyện Quỳnh Phụ phản ánh. Gần đây, Quỳnh Phụ mở rộng tiếp xúc cử tri tới thôn để có nhiều ý kiến từ cơ sở và bảo đảm tính đa dạng, phong phú của các kiến nghị.

 

Kết thúc cuộc toạ đàm, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Hoạt động tiếp xúc cử tri là bắt buộc và có vị trí rất quan trọng. Thông qua tiếp xúc cử tri để đại biểu HĐND nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và qua các cuộc tiếp xúc cử tri tiếp cận được các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Muốn nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri trước hết phải triệt tiêu tính hình thức, tránh tình trạng: “Cử tri chuyên nghiệp”. Muốn vậy, phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa thường trực HĐND với UBND, UBMTTQ và các cơ quan chức năng. Tăng cường các hội nghị tiếp xúc chuyên đề; có chế độ cung cấp thông tin cho đại biểu.

 

Trước các kỳ tiếp xúc phải thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về thời gian địa điểm, nội dung... để bà con nắm được và ai quan tâm đều có thể đến dự.

Người điều hành các cuộc tiếp xúc cử tri phải có năng lực, kinh nghiệm điều hành hội nghị. Báo cáo của đại biểu HĐND phải ngắn, gọn,dành nhiều thời gian cho thảo luận. Cử thư ký ghi chép phải thật sự có năng lực, có thể tổ đại biểu HĐND cử một người làm thư ký để bảo đảm tính chuyên nghiệp. Sau tiếp xúc cử tri phải tổ chức hội nghị liên tịch để xem xét các ý kiến cử tri, phân loại chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết, trả lời. Thường trực HĐND các cấp cần quy định chế độ tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND, tránh tình trạng vắng mặt quá nhiều lần. Ban hành quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng; đôn đốc, giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Mạnh dạn nghiên cứu làm thí điểm việc đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành ở tỉnh; phòng ban, UBND huyện, xã ở cấp huyện trả lời chất vấn trước Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND, các ban chuyên môn của HĐND (Giống như các bộ, ngành, thành viên chính phủ trả lời chất vấn trong hội nghị uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa