Thứ 4, 31/07/2024, 13:31[GMT+7]

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trong lĩnh vực thiết bị và xử lý chất thải y tế

Thứ 6, 06/04/2012 | 16:28:15
1,940 lượt xem
Ngày 5-4-2012 tại Sở Y tế, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH Thái Bình đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trong lĩnh vực thiết bị và xử lý chất thải y tế. Đồng chí Phạm Xuân Thường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình là Trưởng đoàn Giám sát. Đồng chí Phạm Văn Dịu - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế cùng các thành viên Ban ban giám đốc, trưởng các phòng, bộ phận tiếp và làm việc với đoàn.

Việc đầu tư trang thiết bị đã góp phần giảm 1/3 số bệnh nhân chuyển tuyến trên. Phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải.

Trong thời gian một ngày tiến hành giám sát tại Sở Y tế và giám sát thực tế tại một số đơn vị thuộc ngành cho thấy, trong giai đoạn 2009 đến 2011, Sở thực hiện nhiều nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương hỗ trợ và vốn sự nghiệp tài nguyên môi trường, vốn ngân sách tỉnh... đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn và chất lỏng y tế, nâng cấp trang thiết bị. Căn cứ các dự án phê duyệt, năm 2009 – 2010, UBND tỉnh phân bổ kinh phí mua sắm 12 lò đốt rác thải y tế cho 12 bệnh viện trong đó có 10 bệnh viện đa khoa huyện và hai bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Riêng bệnh viện Lao bệnh phổi được tài trợ một lò đót rác thải y tế từ nguồn xã hội hoá, đồng thời UBND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí để vận hành xử lý nước thải, rác thải y tế.

 

Năm 2011 - 2012 UBND tỉnh tiếp tục cấp tổng số kinh phí 92,263 tỷ đồng gồm kinh phí vận hành và kinh phí đầu tư các dự án hệ thống xử lý nước rác thải bệnh viện. Giai đoạn 2009 – 2011, cùng với đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ để phát triển kỹ thuật chuyên sâu, việc đầu tư nâng cấp thiết bị cũng được ngành quan tâm, chủ động tìm kiếm, huy động nhiều nguồn kinh phí với tổng mức đầu tư 159,615 tỷ đồng. Việc đấu thầu, mua sắm thiết bị được thực hiện công khai, đúng trình tự theo quy định của pháp luật, kết quả thanh kiểm tra, kiểm toán các dự án hoàn thành không có sai phạm về đấu thầu; các công trình, thiết bị sau mua sắm được đưa vào sử dụng ngay để phát huy hiệu quả đầu tư. Việc đầu tư trang thiết bị đã góp phần giảm 1/3 số bệnh nhân chuyển tuyến trên. Tuy nhiên trong thực hiện chế độ chính sách pháp luật về đầu tư công trong lĩnh vực xử lý rác thải và mua sắm thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc; một số lò đốt rác không hoạt động do thiết bị cũ, do người dân không đồng thuận.

 

Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, lãnh đạo Sở Y tế đã đề xuất một số kiến nghị như bố trí đủ kinh phí để hoàn thiện 11 dự án đầu tư xử lý nước thải, hàng năm hỗ trợ kinh phí vận hành; tổ chức xử lý rác tập trung đối với các cơ sở y tế đóng trên địa bàn Thành phố; có cơ chế cho các đơn vị khám chữa bệnh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh để đầu tư mua sắm thiết bị, đặc biệt là thiết bị hỗ trợ phát triển kỹ thuật chuyên sâu; đề nghị HĐND, UBND tỉnh có chủ trương giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế tuyến xã...

 

Sau khi các thành viên đoàn giám sát làm rõ hơn hiệu quả việc thực hiện các nguồn vốn, tìm hiểu thêm về công tác quản lý bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, thực hiện bảo hiểm y tế và thanh toán theo định xuất; về tuyển biên chế ngành, về đầu tư trong lĩnh vực xét nghiệm, phòng thí nghiệm, tiêu chí đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện và y tế tuyến cơ sở..., đồng chí Phạm Xuân Thường đánh giá cao kết quả buổi làm việc, đồng thời ghi nhận các ý kiến kiến nghị, đề nghị cơ quan liên quan xem xét giải quyết.

Hà Dung

  • Từ khóa