Thứ 4, 24/07/2024, 04:22[GMT+7]

Đoàn TNCS xã đân chủ Giúp thanh niên lập nghiệp

Thứ 6, 20/08/2010 | 09:36:17
1,870 lượt xem
Mặc dù nằm cách xa trung tâm kinh tế của huyện, nhưng những năm qua, Đảng bộ xã Dân Chủ đã phát huy tốt vai trò, lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đoàn kết, thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân;

Cơ sở may công nghiệp Trường Giang xã Dân Chủ (Hưng Hà) do đoàn viên thanh niên Phạm Hữu Trường làm chủ cơ sở đã tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên. Ảnh: Thành Tâm

Theo chân đồng chí phó Bí thư huyện Đoàn Hưng Hà, chúng tôi về xã Dân Chủ vào một ngày cuối tháng 5. Theo dọc con đường liên xã là những cánh đồng lúa vàng óng, nặng trĩu bông, báo hiệu một mùa vàng bội thu.

 

Mặc dù nằm cách xa trung tâm kinh tế của huyện, nhưng những năm qua, Đảng bộ xã Dân Chủ đã phát huy tốt vai trò, lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đoàn kết, thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; Trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ.

 

Nhằm tập hợp, đoàn kết thanh niên và nâng cao hiệu quả hoạt động trong các chi đoàn nông thôn, Đoàn thanh niên xã Dân Chủ đã triển khai nhiều phong trào, chương trình hành động giúp đoàn viên, hội viên thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống xã hội tại địa phương.

 

Thanh niên có lợi thế là năng động, dám nghĩ, dám làm, nhưng vấn đề đặt ra đối với thanh niên nông thôn là khi lập nghiệp đa số các bạn đều thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm.

 

Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên được Ban chấp hành Đoàn xã xác định đó là tìm giải pháp tạo nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh. Với sự giúp đỡ của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Đoàn- Hội đã đứng ra tín chấp cho ĐVTN vay vốn với số tiền gần 800 triệu đồng; vận động, tuyên truyền thanh niên trong xã chơi phường tương trợ, cho vay quỹ đoàn, hội với lãi suất thấp.

 

Đặc biệt, Đoàn xã thường xuyên tuyên truyền, vận động giúp thanh niên thay đổi nhận thức về sản xuất, kinh doanh tìm hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Để giúp ĐVTN sử dụng đồng vốn có hiệu quả và nâng cao kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, hàng năm Đoàn xã phối hợp với những ngành chức năng mở các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thêu ren, kết cườm, chăn nuôi, trồng trọt nhằm giúp ĐVTN nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế và du nhập một số nghề phụ.

 

Hiện toàn xã có gần 1.300 ĐVTN nhưng chỉ có trên 300 ĐVTN thường xuyên có mặt tại địa phương. Đây là một trong những khó khăn rất lớn cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của xã. Nhưng với tinh thần xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, dám làm, rất nhiều ĐVTN đã vượt khó vươn lên làm giàu.

 

Nếu như trước năm 2004 toàn xã có 2 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi thì đến nay đã có 40 mô hình kinh tế thanh niên cho thu nhập từ 20 triệu đồng /năm trở lên, trong đó trên 10 mô hình thu nhập hơn 100 triệu đồng /năm thông qua phát triển VAC, kinh doanh và làm dịch vụ.

 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là mô hình VAC của gia đình anh Đinh Công Chuyển - 35 tuổi thôn Trung, hàng năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Anh Chuyển tâm sự: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1998 tôi theo học trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật tỉnh và về công tác tại xã.

 

Năm 2004, xã có chủ trương chuyển đổi đất 2 vụ lúa chân trũng năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ hải sản, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000 m2 sang chăn nuôi tổng hợp theo mô hình VAC. Ban đầu do vốn ít, chưa có kinh nghiệm, tôi nuôi lợn nái và các giống cá truyền thống, dần dần tích luỹ được chút vốn tôi bắt tay vào xây chuồng, cải tạo, đắp bờ quy hoạch vùng nuôi theo đúng tiêu chuẩn trang trại.

 

Hiện nay, trong chuồng nhà anh thường xuyên có 300- 500 lợn thịt, một trại lợn nái với trên 30 con, 1.000 gia cầm, gần 1 mẫu ao nuôi cá các loại. Chia tay anh Chuyển, xe chạy dọc theo con đường làng vừa nhỏ vừa khó đi, chúng tôi lọt thỏm vào cơ sở may Trường Giang của anh Phạm Hữu Trường - Bí thư đoàn xã.

 

Nhìn cơ ngơi vừa mới đầu tư gần 3 tháng nay nhiều người sẽ nghĩ không biết nó có thể tồn tại được trong “thời buổi” điện bị cúp 18/24 h mỗi ngày? Nhưng khi được đồng chí Phó bí thư Huyện đoàn Phạm Văn Soi kể về “con đường” công danh của anh Trường thì chúng tôi tin anh sẽ thành công.

 

Bởi, mặc dù rất bận mải trên cương vị Bí thư đoàn xã, nhưng hơn 5 năm qua, anh Trường đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm làm giàu từ đồng phục học sinh. Khách hàng của anh là những em học sinh cấp 1, 2 ở tất cả các xã trong huyện Hưng Hà và một số trường của huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, tỉnh Hưng Yên...

 

Anh Trường chia sẻ: Nhiều năm qua, do chưa có  vốn nên tôi chủ yếu tìm mối hàng cho các cơ sở sản xuất của Hà Nội. Điều làm tôi trăn trở nhiều nhất là tại sao mình không tự thiết kế mẫu mã, hoàn chỉnh tất cả các công đoạn tạo ra những bộ quần áo đồng phục cung cấp trực tiếp đến tay các em học sinh; không những hạ giá thành sản phẩm mà còn tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương.

 

Do đó, sau khi đã tích luỹ được một khoản tiền “kha khá” cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, cuối tháng 3/2010, tôi đã mở cơ sở may Trường Giang với 15 máy may công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho 20 thanh niên, chủ yếu là chị em phụ nữ.

 

Nhưng do mất điện thường xuyên nên chị em phải tranh thủ mọi lúc, kể cả buổi tối và sáng sớm để kịp giao hàng vào đầu năm học 2010- 2011. Hiện tại, thu nhập của người lao động đạt từ 1- 1, 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng nếu làm việc đủ 8 tiếng /ngày, thu nhập của người lao động sẽ đạt từ 1,7- 2 triệu đồng /người/tháng.

 

Không chỉ may đồng phục học sinh, cơ sở của anh Trường còn nhận may áo đoàn - đội, quần áo công sở... Chính điều đó, giúp chúng tôi khẳng định và tin tưởng vào sự thành công của anh.

 

Có thể khẳng định phong trào “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp” đã đi vào cuộc sống và trở thành phương châm hành động của thanh niên Dân Chủ. Qua đó khẳng định sức trẻ, sự năng động, sáng tạo và khát khao lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và xã hội của tuổi trẻ.

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa