Thứ 2, 25/11/2024, 00:24[GMT+7]

Dạy ca trù ở Trường Đại học FPT.

Thứ 2, 23/08/2010 | 11:09:29
1,590 lượt xem
Gần đây tại giảng đường Đại học FPT xuất hiện tiếng gõ phách lẫn với lời ca cổ Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Ban đầu còn lạ lẫm, rồi thì ai cũng biết đó là Ca Trù. Nhưng ít người biết, đằng sau mỗi tiếng ca, mỗi nhịp phách, là một câu chuyện dài, và lớn.

Các học viên biểu diễn trong Lễ tốt nghiệp khóa học ca trù

Câu chuyện Ca Trù tại giảng đường Đại Học

600 năm trước Ca Trù ra đời và sớm phát triển tại Bắc Bộ Việt Nam, là loại hình nghệ thuật được ưa chuộng trong cung đình và giới quý tộc, học giả.

1 năm trước, Ca Trù được UNESCO thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Hơn 2 tuần trước, ca trù được đưa vào giảng dạy trong chương trình Phát triển cá nhân PDP (Personal Development Program) tại Đại Học FPT. Lớp học Ca Trù đầu tiên yêu cầu sỹ số tương đối nhỏ, và “tuyển sinh đầu vào” khá khắt khe. Lớp chỉ có 20 học viên, với giảng viên là Ca nương Phạm Thị Huệ cùng các nghệ nhân trong Giáo phường Thăng Long. Mỗi tuần một lần, lớp học diễn ra, mang tiếng sênh, tiếng phách về với ngôi trường hiện đại bậc nhất Việt Nam, mở ra không gian hoài cổ ngỡ là chỉ còn được tái hiện trên phim lịch sử, đồng thời cũng mở ra nhiều lạ lẫm và hy vọng.

Bạn Thúy Linh, một trong 20 học viên được lọt qua vòng “tuyển sinh” khắt khe của lớp, chia sẻ: “Ban đầu không có ý định đi học đâu, mà là bị lôi kéo đi cho biết. Bạn bè ai nghe nói mình chuẩn bị học Ca Trù cũng đều ngạc nhiên và có người còn phản đối nhiệt tình nữa. Thế mà học được mấy buổi, mình mê ca trù rồi đấy. Giá mà nhiều bạn tự để mình bị lôi kéo, đi học thử vài buổi, biết đâu Ca Trù lại thành mốt”.

Đánh giá một cách thẳng thắn, lớp học Ca Trù ở Đại Học FPT chưa được sinh viên tha thiết quan tâm. Một phần do tiêu chí tuyển chọn của bộ môn cổ nhạc vốn đài các và bác học này khá kén người theo đuổi. Một phần do gout nhạc của sinh viên, đa số là nam, tại nơi phải học bằng tiếng Tây và theo kiểu Tây này, cũng mang tính hiện đại và hướng ngoại nhiều hơn. 

Tuy nhiên, với khóa học đầu tiên trong một chương trình Phát triển cá nhân dài hơi và có kế hoạch tại một trường đại học uy tín, câu chuyện ca trù đơn giản sẽ không dừng lại ở 20 học viên và một lần xuất hiện. Bởi đằng sau nó, còn là câu chuyện lớn hơn về bản sắc.

Mượn Ca Trù, nói chuyện bản sắc

Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài đều hay kể một câu chuyện giống nhau: “Khi đạt thành tích xuất sắc hay bị nhầm là người Trung Quốc, Nhật hay Hàn Quốc”. Có lẽ, nếu không mang ngoại hình đặc trưng Châu Á, với làn sóng Tây hóa không chỉ trong tác phong học hay làm việc, mà trong cả cách sống, cách nghĩ, dễ chừng chúng ta còn bị nhầm lẫn với nhiều dân tộc khác.

Nguyễn Hồng Vân, sinh viên khoa Xã hội học, trường ĐH Trent, Canada chia sẻ: “Lễ hội văn hóa ở trường, bọn mình múa bài Trống Cơm. Mặc áo tứ thân, vấn tóc đuôi gà, múa điệu múa dân tộc và hát làn điệu dân ca, xúc động lắm. Nhưng xúc động nhất là “các bạn Tây” khen tấm tắc và rồi cứ nhắc mãi. Lần đầu tiên trong đời, mình tả hai tiếng Dân ca bằng từ Thiêng liêng”.

Vào thế kỉ 21, khi thế giới quá phẳng, và ở hai nửa bán cầu nghe cùng âm nhạc của Taylor Swift hay Lady Gaga, cùng ăn KFC, và cùng giao dịch chung bằng tiếng Anh, văn hóa truyền thống chính là thứ làm nên bản sắc, đánh vào tâm trí người bạn “toàn cầu hóa” phía đối diện, thậm chí gây thèm muốn cho những người bạn đến từ đất nước vốn không có nền văn hóa cổ xưa như Singapore hay Hoa Kỳ .

Không phải vô cớ khi cộng đồng nước Châu Á lớn mạnh nhất thế giới, là Trung Quốc, đi đến đâu cũng mang theo Kinh Kịch như một tài sản bất ly thân. Có lẽ việc sớm “rẽ lũy tre làng” ra giao thương với thế giới đã giúp người Trung Quốc nhận ra sự cần thiết của việc gắn bó với nghệ thuật truyền thống. 

Mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, nhưng bước đầu nhận thức và đưa Ca Trù vào giảng đường, chính là cách đang được dùng để giúp người trẻ ý thức về hành trang mình cần, nhằm vững chãi bước ra thế giới phẳng. Giống như con diều, có thể bay xa cao và nổi bật, chỉ khi được trang bị sợi dây cội rễ vững chãi. Bắt đầu bằng Ca Trù ở một trường đại học, hy vọng về bản sắc của dân tộc cần nhiều hơn một sợi dây diều và một lớp học nơi giảng đường cho người trẻ.
Tin là những sợi dây diều sẽ ngày càng nhiều, tương ứng với vốn liếng về văn hóa dân tộc của người trẻ, đủ để họ tự tin vào bản sắc của mình, hiên ngang bước ra bậc thềm của ngôi làng thế giới.

Theo 24h.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày