Thứ 5, 07/11/2024, 10:14[GMT+7]

Bán hàng online: “Cứu cánh” của người chăn nuôi

Thứ 3, 21/04/2020 | 08:44:52
3,570 lượt xem
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn dân thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, điển hình là hoạt động chăn nuôi gia cầm đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Để duy trì sản xuất chăn nuôi và ổn định nguồn thu, người chăn nuôi gia cầm đã đẩy mạnh bán hàng online.

Bán hàng online giúp nhiều hộ chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm dịch Covid-19.

Nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Len, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân (Kiến Xương) thường xuyên nuôi khoảng 1.000 con ngan, gà, vịt thương phẩm. Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 nên đàn lợn đã bị tiêu hủy, chị Len chuyển hẳn sang nuôi gia cầm với số lượng 2.000 con. Trước đây, mỗi khi gia cầm đến tuổi xuất bán, gia đình chị đều mang đi bán buôn cho các chợ, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Thái Bình. Khi dịch Covid-19 xảy ra và dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương, các cửa hàng ăn uống đóng cửa khiến gia đình chị lo lắng khi đàn gia cầm đã quá lứa mà chưa xuất bán được. Chị Len cho biết: Thấy nhiều người chăn nuôi gia cầm rao bán hàng trên mạng xã hội nên tôi cũng làm theo. May mắn được người thân, bạn bè ủng hộ nhiệt tình và giới thiệu cho nhiều người khác nữa nên bình quân mỗi ngày cũng bán được từ 30 - 50 con ngan, gà, vịt với giá từ 25.000 - 55.000 đồng/kg. Nếu người mua yêu cầu làm sạch tôi sẽ lấy thêm 10.000 đồng/con, coi như lấy công làm lãi. Với số lượng bán ổn định như vậy thì khoảng hơn 1 tháng nữa gia đình tôi sẽ tiêu thụ hết đàn gia cầm và có vốn đầu tư nuôi lứa mới. So với chi phí chăn nuôi bỏ ra thì số tiền bán gia cầm chưa có lãi nhưng tôi vẫn phải bán vì càng nuôi lâu càng lỗ do phát sinh tiền thức ăn hàng ngày.

Không chỉ gia đình chị Len, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang tự giải cứu đàn gia cầm của mình bằng hình thức bán hàng online. Các sản phẩm từ gia cầm như trứng, con giống đều được người dân rao bán trên mạng xã hội. Gia đình ông Bùi Minh Toán, thôn Thu Cúc, xã Thụy Hưng (Thái Thụy) thường xuyên nuôi 6.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu khoảng 4.000 trứng. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, số trứng này được thương lái đến thu mua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình ông phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Toán cho biết: Mặc dù giá trứng đã giảm rất thấp so với trước, hiện giá bán buôn tại trại gà đã giảm từ 18.000 - 20.000 đồng/10 quả xuống còn 10.000 - 12.000 đồng/10 quả nhưng thương lái cũng chỉ thu mua được 50% số trứng có hàng ngày, số còn lại tôi phải đăng bán trên mạng xã hội. Trứng không giống như các loại thực phẩm khác, để lâu sẽ hỏng, quá trình vận chuyển dễ dập vỡ nên với giá bán lỗ như hiện nay tôi vẫn phải chấp nhận, hy vọng gỡ lại được chút vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, chờ hết dịch bệnh sẽ đỡ khó khăn hơn.

Hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hơn 14 triệu con (tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2019). Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm khiến nguồn cung tăng mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra. Chính vì vậy nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đã tiếp cận hình thức bán hàng online. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm đang diễn ra tại nhiều địa phương, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động; thu gom, tập kết, xử lý chất thải từ gia cầm đúng nơi quy định; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, phun hóa chất khử trùng chuồng trại, lồng nhốt, phương tiện vận chuyển, khu vực tập kết, buôn bán, giết mổ gia cầm; thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc nơi đông người để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày