Thứ 5, 07/11/2024, 10:16[GMT+7]

Phòng, trừ sâu bệnh - Việc cấp bách trên đồng ruộng

Chủ nhật, 26/04/2020 | 16:45:13
7,705 lượt xem
Sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ cao, phạm vi ảnh hưởng rộng; các đối tượng sâu bệnh hại khác như: bệnh đạo ôn hại cổ bông, rầy… đang “chực chờ” bùng phát bởi các yếu tố thuận lợi của thời tiết. Việc cấp bách hiện nay là tập trung chỉ đạo quyết liệt nông dân phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu vào đúng thời điểm thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, bảo đảm năng suất và chất lượng lúa xuân.

Nông dân xã Minh Tân (Kiến Xương) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Lúa xuân trên địa bàn toàn tỉnh đang ở giai đoạn phân hóa đòng, các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Toàn tỉnh đã có khoảng 300ha lúa trỗ bông, dự kiến có khoảng 15.000ha trỗ bông trước ngày 5/5, diện tích lúa còn lại sẽ trỗ bông tập trung từ ngày 5 - 20/5. 

Theo các cơ quan chuyên môn, năm nay, sâu cuốn lá nhỏ có hiện tượng xuất hiện sớm hơn, mật độ sâu cao hơn từ 5 – 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Sâu phân bố rộng trên 100% các giống lúa, trà lúa ở tất cả các huyện, thành phố, đặc biệt là những diện tích lúa xanh non, diện tích gieo thẳng, cấy muộn, đồng ruộng sâu trũng… Sâu non nở rộ từ ngày 20 – 28/4, đây cũng là cao điểm phòng trừ đạt hiệu quả nhất. 

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã phát động chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên toàn bộ diện tích lúa xuân từ ngày 23 - 27/4, tùy tình hình thời tiết và mật độ sâu của từng địa phương có thể điều chỉnh lịch sớm hoặc muộn hơn 1 ngày. Ước tính toàn tỉnh có khoảng gần 20.000ha có mật độ sâu non trên 200 con/m2 phải phun lại lần 2. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 15.000ha lúa trỗ trước ngày 5/5 cần phun thuốc phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông, phun 2 lần: lần 1 khi lúa thấp tho trỗ (trỗ được khoảng 5% số bông), lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn.

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên trên 11.400 ha lúa mùa của huyện Đông Hưng sinh trưởng, phát triển tốt, lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng. Tuy nhiên, trên đồng ruộng sâu bệnh diễn biến phức tạp. 

Bà Vũ Thị Nhuệ, quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Ngày 21/4, huyện tổ chức họp trực tuyến với tất cả các xã, triển khai chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa xuân kết hợp phun trừ bệnh đạo ôn hại cổ bông (cho khoảng 3.000ha lúa trỗ trước ngày 30/4) từ ngày 23 – 27/4. Kỹ thuật phun thuốc được phổ biến đến tận hộ nông dân qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở mỗi ngày và xe lưu động đi đến từng khu dân cư trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch, tuyên truyền để mọi người dân biết mức độ nguy hại của sâu bệnh, hướng dẫn bà con kỹ thuật phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả cao. Đến hết ngày 26/4, toàn huyện đã phun trừ được khoảng 10.000ha. Kết thúc chiến dịch, dự kiến ngày 28/4, chúng tôi sẽ tiến hành cắt cây để kiểm tra mật độ sâu sau phun từ đó có báo cáo đánh giá hiệu quả phun trừ cũng như khuyến cáo bà con lịch phun, diện tích phải phun lần 2.

Do thời tiết những ngày qua bất thuận, mưa nhiều nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Chúng tôi đã liên tục đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nông dân nắm được tình hình sâu bệnh, chủ động tiến hành phòng trừ kịp thời vì đây là giai đoạn quan trọng quyết định tới năng suất lúa. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phối hợp với các HTX DVNN bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân kỹ thuật phun thuốc, thực hiện các biện pháp thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Khuyến cáo nông dân không sử dụng đạm đơn bón nuôi đòng nuôi hạt, trong quá trình phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng và phân qua lá để hạn chế sự lây lan của bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh bạc lá ở cuối vụ.

Cũng như Đông Hưng, Kiến Xương, các địa phương trên địa bàn huyện Tiền Hải đang tập trung tuyên truyền bà con nông dân phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy xong trước ngày 27/4. 

Ông Bùi Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết: Dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng lịch phun trừ sâu bệnh từ ngày 25 – 27/4, trong đó tập trung vào 2 đối tượng chính: sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, chúng tôi huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát và cụ thể công tác phòng, trừ sâu bệnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành.

Sâu cuốn lá nhỏ, rầy hay bệnh đạo ôn không phải là đối tượng sâu bệnh mới nhưng thời điểm gây hại và mức độ gây hại bất thường khiến công tác chỉ đạo việc phun thuốc phòng, trừ cần được tiến hành tập trung, kiên quyết. Phòng trừ đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách luôn là những "nguyên tắc vàng" trong phòng, trừ sâu bệnh. 

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hết ngày 26/4, đã có 70.500ha (bằng 92,5% diện tích) lúa xuân được phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với nỗ lực của bà con nông dân trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, hy vọng lúa xuân năm 2020 sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, làm tiền đề để các địa phương tiếp tục giành thêm một vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao.

Các cán bộ ngành Nông nghiệp được huy động tăng cường cho các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, trừ sâu bệnh. 

Sâu/ bệnh hại

Thuốc khuyến cáo

Lưu ý

Bệnh đạo ôn hại cổ bông

FILIA 525SE, BUMP 650WP, KATANA 20SC, Kosoto 200SC, FUARMY 30WP, Bankan 600WP, Fendy 25WP, FELISO 360EC…

Phun 2 lần: lần 1 khi lúa thấp tho trỗ (trỗ 5% số bông); lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn

             

Sâu cuốn lá nhỏ

Takumi 20WG (20SC), Ammate 150EC, Clever 150SC (300WG), Thamaten 150SC, Sunset 300WG, Match 050EC, Abacard-HB 50EC, AMATEUSAMY 150SC…

Diện tích có mật độ sâu non từ 200 con/m2 trở lên sau phun thuốc 3 ngày cần phải kiểm tra và chủ động phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày.

Rầy các loại

Penalty 40WP, Oshin 20WP, Midan 10WP, Sutin 5EC, Chess 50WG, Palano 600WP, Laroma 700WG, Hasuper 300WP…

Phun phòng, trừ ở những diện tích có mật độ 800 con/m2 trở lên.

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ngân Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày