Thứ 5, 07/11/2024, 10:13[GMT+7]

Thụy Trường: Khắc phục ảnh hưởng của xâm nhập mặn

Thứ 3, 28/04/2020 | 09:51:42
1,533 lượt xem
Là xã ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, những năm qua, xã Thụy Trường (Thái Thụy) đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng này. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, độ mặn tăng cao và xâm nhập khá sâu vào nội đồng gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ HTX SXKD DVNN xã Thụy Trường kiểm tra sinh trưởng của lúa xuân.

Cánh đồng thôn Chỉ Bồ, nhiều ruộng lúa thưa thớt, cây lúa lùn lụi, một phần do chuột phá hoại, một phần do ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong khi lúa xuân ở các vùng khác trên địa bàn xã đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng. Trước đó, nông dân phải cấy lại 2 - 3 lần. 

Ông Nguyễn Trọng Lệ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Trường cho biết: Xã có 400ha đất nông nghiệp, trong đó 200ha gieo cấy 2 vụ lúa, 200ha luân canh theo công thức 3 vụ màu - 1 vụ lúa/năm hoặc 4 - 5 vụ màu/năm. Tuy là xã ven biển nhưng thu nhập của người dân vẫn chủ yếu từ nông nghiệp, trong đó chủ lực là trồng lúa và rau màu. Trước dự báo độ mặn tăng cao, xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm từ các cơ quan chuyên môn, HTX đã chú trọng làm tốt công tác thủy lợi đông xuân, nạo vét kênh mương để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ xuân, đồng thời tổ chức nhiều đợt bơm nước thau chua, rửa mặn; tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện về lịch lấy nước. Tuy nhiên, ở vụ đông xuân này, do thời tiết ít mưa nên độ mặn cao hơn nhiều, xâm nhập vào nội đồng sâu hơn khoảng 2km so với những năm trước, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp nhất là giai đoạn đầu vụ. Toàn xã có khoảng 30ha phải cấy lại 2 - 3 lần, trong đó riêng thôn Trường Xuân phải cấy lại 1/3 diện tích. Trước những khó khăn đó, HTX đã bơm nước ngọt thau chua, rửa mặn nhiều lần, đồng thời hướng dẫn bà con tăng cường bón lân, rắc vôi bột, không bón nhiều phân, chỉ khi lúa hoàn toàn hồi phục mới áp dụng các biện pháp chăm bón bình thường. Đến nay, cơ bản lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.

Độ mặn cao cũng ảnh hưởng tới thời vụ xuống giống thủy sản của người dân. Ông Lâm Văn Ca, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Xuân, xã Thụy Trường cho biết: Thụy Trường hiện có 176ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 18ha đầm trong đê được chuyển đổi từ diện tích làm muối kém hiệu quả, 158ha nuôi trồng ngoài đê với các đối tượng nuôi: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, cua... Đối với nuôi trồng thủy sản, độ mặn được xem là một trong những yếu tố môi trường quan trọng. Độ mặn quá cao khiến tôm, cá ở một số diện tích mới xuống giống bị chết, thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng. Vì vậy, dù đang trong thời vụ nuôi thả nhưng do độ mặn cao nên nhiều hộ vẫn chưa dám xuống giống. HTX tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, dòng chảy và công tác quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến các hộ nuôi. Khi độ mặn giảm sẽ thay tháo nước để thay đổi môi trường nước nuôi cho bà con xuống giống bảo đảm thời vụ.

Là xã ở cuối nguồn nước ngọt, chân đê, không có sông ngăn mặn nên độ mặn thẩm thấu vào nội đồng, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Để ứng phó với hạn, mặn, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư đối với hệ thống tưới, tiêu của huyện, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, thời gian qua, Thụy Trường đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa, đưa bộ giống lúa lai vào đồng đất chua mặn thay thế bộ giống nhiễm và một số giống thuần. Ở cả hai vụ, trên 90% diện tích sử dụng các giống lúa lai, đặc biệt là Nhị ưu 838; chuyển trà xuân sớm sang cấy lúa xuân muộn, gieo cấy theo phương thức mạ non. Trong chăm sóc, vận động bà con chuyển từ bón đạm đơn sang bón phân NPK tổng hợp, bón lót là chủ yếu, bón thúc sớm, đồng thời bổ sung thêm vôi bột, tăng lượng lân giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Trọng Lệ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Trường cho biết: Biến đổi khí hậu nói chung, xâm nhập mặn nói riêng đang diễn biến phức tạp. Để bảo đảm sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của người dân, rất mong tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống thủy lợi, có các giải pháp chống xâm nhập mặn hiệu quả, bền vững.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày