Thứ 5, 16/01/2025, 15:53[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Phát triển đàn bò thương phẩm

Thứ 2, 11/05/2020 | 09:27:47
2,896 lượt xem
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành chăn nuôi cũng như đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo của UBND tỉnh, huyện Quỳnh Phụ đã tích cực triển khai các biện pháp cụ thể khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó chủ yếu nuôi bò.

Nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có nguồn thu ổn định.

Tham gia vùng chuyển đổi của địa phương, gia đình ông Nguyễn Đức Ninh ở thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến đã cải tạo 6 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhưng 4 năm trở lại đây, gia đình ông chuyển hẳn sang chăn nuôi bò thương phẩm và bò sinh sản. Nhờ sự năng động, nhạy bén và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi nên ngay từ năm đầu tiên gia đình ông Ninh đã thu gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò. 

Ông Ninh cho biết: Hiện nhà tôi nuôi 80 con bò thương phẩm và bò sinh sản. Chăn nuôi bò thuận lợi nhất là tận dụng được hết những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như thân cây ngô, đậu, đỗ, chuối, cỏ tự nhiên để làm thức ăn nên giảm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi. Ngoài ra tôi còn trồng 4 mẫu cỏ voi để dự trữ nguồn thức ăn cho đàn bò và bán cho các hộ chăn nuôi bò. Chăn nuôi với số lượng lớn, tôi đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải và sử dụng đệm lót sinh học nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Trang trại chăn nuôi bò không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 5 lao động với tiền công từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Cũng như gia đình ông Ninh, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Đồng Tiến đã tận dụng thế mạnh của địa phương đầu tư, cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là nuôi bò thương phẩm. 

Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Để thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó chủ yếu là chăn nuôi bò, xã Đồng Tiến đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 88ha. Trước đây là vùng canh tác lúa kém năng suất được xã chuyển đổi sang phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Địa phương đã khuyến khích, động viên các hộ dân có nhu cầu chăn nuôi với quy mô, số lượng lớn sẽ được tạo điều kiện tham gia vùng chăn nuôi tập trung. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra, số hộ tham gia vùng chuyển đổi chủ yếu chăn nuôi lợn thương phẩm nhưng hiện nay đã và đang chuyển dần sang chăn nuôi bò vì đây là vật nuôi ít bị dịch bệnh, giá cả ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ xã Đồng Tiến mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ cũng đang chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bền vững, điển hình như xã An Tràng. Thế mạnh của An Tràng là có trang trại bò giống rộng 4ha với số lượng nuôi 100 con do UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp chủ trì, phối hợp cùng Công ty Giống chăn nuôi Thái Bình chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển đàn bò. Vì vậy, trong thời gian tới, người dân muốn chuyển hướng sang chăn nuôi bò sẽ được mua nguồn giống tại địa phương và được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi. 

Là hộ chăn nuôi bò nhiều năm tại địa phương, ông Vũ Đình Trường, thôn Tràng chia sẻ: Gia đình tôi chủ yếu nuôi bò thương phẩm, để chủ động được con giống chăn nuôi lâu dài tôi kết hợp nuôi thêm bò sinh sản. Thời gian tới trại bò giống của tỉnh phát triển, tôi không phải lo về mua con giống ở nơi khác nên chỉ tập trung nuôi bò thương phẩm với hình thức vỗ béo, bởi mỗi con bê có giá từ 13 - 17 triệu đồng, sau vài tháng nuôi vỗ béo có thể bán từ 25 - 28 triệu đồng/con. Nuôi bò với hình thức vỗ béo sẽ đỡ tốn công chăm sóc, nhanh cho thu nhập.

Phát huy lợi thế của địa phương có vành đai sông Diêm Hộ nên xã An Tràng cũng đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 60ha. Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã An Tràng cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ chăn nuôi bò với số lượng hơn 100 con. Để chủ trương phát triển chăn nuôi bò bảo đảm bền vững, tăng cả về số lượng, chất lượng, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề và có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển hướng chăn nuôi, phát triển đàn bò thương phẩm và bò sinh sản với quy mô gia trại, trang trại. Bởi thực tế đã chứng minh chăn nuôi bò đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, bò ít bị nhiễm dịch bệnh, tận dụng được nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn nên giảm chi phí chăn nuôi, đặc biệt sản phẩm thịt bò hiện nay đang có thị trường rộng lớn, giá cả ổn định chứ không bấp bênh như những vật nuôi khác.

Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện Quỳnh Phụ có gần 5.400 con trong đó chủ yếu là bò; một số trại chăn nuôi bò có quy mô từ 20 - 50 bò sinh sản, 50 - 100 bò thịt được đầu tư về chuồng trại, con giống và nguồn nguyên liệu thức ăn. Huyện đang tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững nhằm đem lại giá trị thu nhập cao, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, hy vọng huyện Quỳnh Phụ sẽ sớm thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại ngành chăn nuôi cũng như đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.


Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày