Thứ 4, 31/07/2024, 01:27[GMT+7]

Phòng chống Bệnh dại trên đàn chó, mèo Hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin

Thứ 6, 03/08/2012 | 15:57:06
2,384 lượt xem
Để kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo thì biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin; đồng thời đối với người bị nhiễm vi rút dại, biện pháp duy nhất là phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Mặc dù hàng năm Chi cục Thú y tỉnh đều triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo cùng với đó là các biện pháp tuyên truyền về sự nguy hại khi chó, mèo mắc bệnh dạị…nhưng số được tiêm vắc xin còn rất hạn chế. Một thực tế có lẽ ít người nuôi chó, mèo nhận thức được rằng khi vật nuôi, hoặc người bị chó, mèo truyền bệnh dại qua mà phát bệnh thì không có phương thuốc nào cứu chữa được và sẽ dẫn đến tử vong. Do đó, để kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo thì biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin; đồng thời đối với người bị nhiễm vi rút dại, biện pháp duy nhất là phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Theo số liệu của Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến hết tháng 6/2012 tổng số chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại là 56.146 con; tiêm đạt tỷ lệ cao có Thái Thụy được trên 11 nghìn con, Kiến Xương trên 10 nghìn con… Với tỷ lệ này, số được tiêm bệnh dại còn quá ít so với số vật nuôi hiện có. Ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục Thú y cho biết: Thực hiện kế hoạch tiêm phòng số 74/KH- SNN&PTNT ngày 21/2/2012, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức tiêm phòng định kỳ vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm; trong quá trình triển khai thực hiện Chi cục và hệ thống thú y cơ sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh dại cho đàn chó, mèo. Tuy nỗ lực của ngành thú y là vậy, nhưng nhận thức và ý thức chấp hành của các hộ dân vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, nhiều hộ không chỉ nuôi chó để làm cảnh hoặc trông coi nhà mà còn xuất hiện tình trạng nuôi hàng chục con để cung cấp cho các lò mổ, cửa hàng ăn…nhưng không thực hiện tiêm vắc xin phòng dại. Do bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra ở động vật, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng; nguồn mang bệnh và truyền cho người chủ yếu là chó, mèo và một số động vật hoang dã. Đồng thời hiện nay không có thuốc chữa trị khi động vật hoặc người bị phát bệnh; kể cả nền y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã phát bệnh đều dẫn đến tử vong 100%. Do mức độ nguy hiểm của bệnh này, Chính phủ đã có Nghị định số 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật; đồng thời UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Theo Chỉ thị của UBND tỉnh thì các chủ hộ nuôi chó phải đăng ký với UBND các xã, đồng thời ký cam kết thực hiện nghiêm quy định 5 không: Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó không tiêm phòng; không nuôi chó thả rông; tuyệt đối không để chó cắn người; không để chó, mèo nuôi làm mất vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chó, mèo nuôi trên địa bàn, địa phương quản lý yêu cầu bắt buộc phải tiêm phòng bệnh dại 100%, một năm tiêm làm 2 kỳ; đồng thời lập sổ theo dõi và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo; kiên quyết xử phạt theo quy định của Nhà nước những chủ nuôi không chấp hành và xử lý tiêu hủy chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại. Trên thực tế những nội dung mà Chỉ thị của UBND tỉnh đề ra có lẽ chưa có địa phương nào thực hiện triệt để được, vật nuôi không đăng ký và thả rông vẫn diễn ra phổ biến, đồng thời việc xử phạt và xử lý tiêu hủy chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

            Mặc dù trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh dại gây ra, nhưng ở một số tỉnh số người bị chó dại cắn, tử vong do bệnh dại đang là con số báo động. Trong 6 tháng đầu năm 2012, một số tỉnh gần với Thái Bình đã có nhiều ca tử vong vì bệnh dại, như Hà Nội có 4 ca tử vong, tỉnh Phú Thọ có 4 ca tử vong… Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, riêng tháng 6/2012 trên địa bàn tỉnh đã có 165 ca bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.

         Với số người ở các tỉnh bị chết do bệnh dại và số người trong tỉnh bị chó cắn trong thời gian qua đã phản ánh phần nào sự nguy hiểm của bệnh dại gây ra, nếu chủ vật nuôi không nâng cao ý thức về tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh dại thì tính mạng chính bản thân mình hàng ngày sẽ bị đe dọa. Bởi lẽ, phong trào nuôi chó cảnh và vận chuyển chó thịt ở các tỉnh khác vào trong tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, trong khi đó việc thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo của người dân còn hạn chế nên nguồn bệnh rất dễ lây lan. Đồng thời các hộ dân thường có thói quen không nhốt, xích và vật nuôi này là đối tượng chính truyền bệnh cho người, trên 90% số ca tử vong vì bệnh dại đều tiếp xúc với chó bệnh, hoặc bị chó cắn. Hiện nay, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo chỉ tốn từ 10 – 15 nghìn đồng/ con; nhưng nếu người bị chó, mèo cắn khi điều trị dự phòng phải chi phí từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/ người. Tuy nhiên, khi phải điều trị dự phòng chỉ là giải pháp cuối cùng để cứu vãn tình thế, muốn điều trị tận gốc bệnh dại mà không tốn nhiều tiền của, công sức thì người dân phải thực hiện nghiêm túc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của lực lượng thú y.

                                                                                                                        Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày