Thứ 5, 16/01/2025, 20:52[GMT+7]

Vũ Bình: Tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ 3, 09/06/2020 | 08:32:41
1,786 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Vũ Bình (Kiến Xương). Sau khi hết dịch, người dân đã tích cực tái đàn lợn nhằm khôi phục lại sản xuất chăn nuôi. Một trong những biện pháp bảo vệ đàn lợn được người dân áp dụng đó chính là chăn nuôi an toàn sinh học.

Người chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Bà Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Vũ Bình cho biết: Trước thời điểm xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, toàn xã có hơn 400 hộ chăn nuôi lợn với gần 4.000 con. Bệnh dịch phát sinh trên địa bàn xã từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7/2019 khiến gần 3.000 con mắc bệnh và bị tiêu hủy, số lợn khỏe mạnh còn lại chủ yếu là lợn thịt được người dân tiêu thụ. 

Sau khi dịch bệnh hết, người chăn nuôi đã tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn nái để có con giống tái đàn sau dịch. Địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện về công tác tái đàn, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân khi thực hiện tái đàn cần tuân thủ nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng, bảo đảm không tồn lưu vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi trong chuồng nuôi; nhập lợn giống từ trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lợn đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi; làm đúng các bước nhập nuôi lợn, tránh tái đàn ồ ạt. Trong quá trình chăn nuôi thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh nhằm ngăn chặn các yếu tố làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Nhận thức được chăn nuôi an toàn sinh học chính là biện pháp phòng, chống bệnh dịch hiệu quả nhất nên các hộ chăn nuôi trong xã đã tích cực thực hiện. Là hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Đỗ Văn Trung ở thôn Nguyệt Lâm 2 buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn gần 200 con mắc bệnh thiệt hại về kinh tế hơn 170 triệu đồng. 

Ông Trung cho biết: Do thiếu vốn sản xuất và lo lắng bệnh dịch phát sinh nên gia đình tôi kéo dài thời gian trống chuồng để xử lý tốt môi trường chăn nuôi, tránh việc vi rút còn tồn lưu gây bệnh cho lợn khi tái đàn. Cách đây 1 tháng, thời tiết nắng ấm lên, gia đình tôi mới bắt đầu nhập 24 con lợn thịt về nuôi. Đàn lợn được nuôi ở khu cách ly trong 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi đưa vào khu nuôi chính, được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định và bảo đảm mật độ nuôi hợp lý. Trong quá trình chăn nuôi, hạn chế người ra vào chuồng trại, hàng ngày vệ sinh, sát trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi, đồng thời thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi 2 lần mỗi ngày.

Cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Phan Văn Đích cùng ở thôn Nguyệt Lâm 2 tích cực áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn. Ông Đích cho biết: Trước đây nhà tôi thường xuyên nuôi 5 con lợn nái và 10 con lợn thịt nhưng hiện tại tôi chỉ nuôi 2 con lợn nái để nhân giống, cả 2 con đều đã đẻ lứa đầu tiên. Sức đề kháng của lợn nái sau đẻ kém, dễ mắc bệnh nên tôi đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn lợn. Ngoài việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng, nước uống sạch để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, tôi còn bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn lợn, đồng thời vệ sinh, giữ chuồng trại luôn khô ráo, thoáng mát.

Bà Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Vũ Bình cho biết thêm: Tổng đàn lợn toàn xã hiện có gần 800 con với khoảng 100 hộ chăn nuôi. Số lượng đàn lợn tăng chậm do nguồn giống khan hiếm và giá thành tăng cao nên người dân chủ yếu tái đàn từ số lợn nái còn lại của địa phương sau bệnh dịch. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng thận trọng trong công tác tái đàn vì lo lắng bệnh dịch tả lợn châu Phi còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị. Chỉ những hộ có đầy đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học mới tái đàn. Mong muốn của người chăn nuôi là sớm nhận được hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi để có kinh phí sửa chữa, nâng cấp chuồng trại và đầu tư con giống tái đàn; được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày