Thứ 6, 17/01/2025, 00:45[GMT+7]

Phá thế độc canh cây lúa

Thứ 2, 22/06/2020 | 09:12:55
11,349 lượt xem

Mô hình trồng thanh long xen lẫn đinh lăng của gia đình anh Nguyễn Hữu Hưng (xã Thống Nhất, Hưng Hà) đem lại thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/sào/năm.

Sau nhiều thập kỷ khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu trong bảo đảm an ninh lương thực, hiện nay cây lúa không còn giữ vị trí độc tôn đối với sản xuất nông nghiệp khi xếp sau nhiều mặt hàng nông sản khác về giá trị kinh tế, sinh kế của người nông dân. Đặt bài toán kinh tế lên hàng đầu, với định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị và thương hiệu, đất trồng lúa đang chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, dần phá thế độc canh cây lúa trên “Quê hương năm tấn”.

Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có khoảng 93.000ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 78.470ha. Năng suất lúa của Thái Bình trong nhóm cao nhất cả nước, bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm, tương đương trên 1 triệu tấn/năm. Tuy chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất trồng trọt nhưng sản xuất lúa mang lại hiệu quả thấp, giá trị thu được chỉ đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm; sản phẩm gạo Thái Bình chưa có thương hiệu đủ mạnh; tình trạng bỏ ruộng không canh tác ngày càng gia tăng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, tỉnh đã chủ trương khuyến khích các địa phương chuyển đổi đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng giống cây mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Từ những mảnh ruộng cấy 1 vụ lúa, thậm chí bỏ hoang từ nhiều vụ, với cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất đã mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho anh Nguyễn Đình Thuật, thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ). Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng cà gai leo chuẩn bị cho thu hoạch, anh Thuật chia sẻ: Cánh đồng này trước đây người dân thường cấy vụ lúa xuân, vụ mùa bỏ hoang do chuột cắn phá. Tiếc cho những bờ xôi ruộng mật đang bị hoang hóa ngày càng nhiều, tôi nung nấu ý định gom đất để sản xuất. Tình cờ đọc báo, tôi biết đến mô hình trồng cây cà gai leo cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định tìm hiểu. Sau khi đi tham quan một số nơi trồng cây cà gai leo và nắm được thông tin sản phẩm làm ra được các công ty dược bao tiêu nên đầu ra ổn định, tôi liên hệ với Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Quỳnh Phụ), được Công ty nhận hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Tháng 7/2019, tôi bắt tay vào trồng 2,5ha, đến tháng 9/2019 mở rộng thêm 2,5ha nữa. Không như lúa, ngô, khoai, sắn hay cây rau màu, cái hay của cà gai leo là loại cây trồng gần như không có sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật lại đơn giản, đặc biệt không bị chuột cắn phá nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, giống cây cà gai này cho thu hoạch 3 lần/năm và thu khoảng 8 - 10 lứa mới phải trồng lại. Như vậy, cây dược liệu này sẽ cho thu nhập cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.

Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.398,64ha đất canh tác, chủ yếu là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm, cây lâu năm khác có giá trị cao hơn như: ngô, rau các loại, khoai tây, ớt, dưa xuất khẩu, bí, cây dược liệu, cam, táo, ổi, cà rốt, hoa… Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố, đại đa số các mô hình chuyển đổi ở giai đoạn này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành một số vùng, một số sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn từ 2 lần trở lên so với gieo cấy lúa như: mô hình trồng chuối tiêu hồng, ổi, bưởi tại các xã Hồng An, Cộng Hòa (Hưng Hà); mô hình trồng thanh long tại xã Thống Nhất (Hưng Hà), Thụy Dân (Thái Thụy); mô hình sản xuất hành, tỏi tập trung tại các xã Thụy Trường, An Tân (Thái Thụy); mô hình chuyên canh rau tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ)… Sau khi chuyển đổi đã giảm áp lực sâu bệnh hại do luân canh cây trồng; đồng thời có thể tăng vụ trong năm. Tại một số vùng chuyển đổi, nông dân đã chủ động tìm kiếm thị trường, tạo được mối liên kết từ khâu cung ứng giống, vật tư đến thu gom, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

Để khai thác, phát huy hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, ngày 20/1/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09). Theo đó, phấn đấu hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000ha, đến năm 2030 chuyển đổi được khoảng 30.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, cây cảnh có giá trị cao hơn trồng lúa. Đến năm 2025, xây dựng được 3 - 4 sản phẩm có thương hiệu của ngành trồng trọt Thái Bình, thu hút được 2 - 3 tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của Nhà nước, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội. Chuyển đổi thực hiện theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô tối thiểu từ 2ha trở lên, khuyến khích các vùng có 7ha trở lên để được cấp mã số vùng trồng; bố trí cây trồng linh hoạt, bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp, khi cần thiết có thể trở lại tiếp tục trồng lúa nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược an ninh lương thực.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghị quyết số 09 đã tạo bước mở cho việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, giúp nông dân nâng cao thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của từng địa phương; công khai thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác tại địa phương để người dân có nhu cầu chuyển đổi dễ thực hiện. Việc chuyển đổi phải gắn với việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Khi lựa chọn loại cây trồng phải bám sát nhu cầu thị trường, khai thác được lợi thế về đất đai, lao động, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản; có cơ chế, chính sách, ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi phù hợp.

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày