Thứ 6, 17/01/2025, 02:47[GMT+7]

Một số giải pháp kỹ thuật để cây lúa khỏe trong vụ mùa

Thứ 6, 10/07/2020 | 09:03:05
5,788 lượt xem
Sản xuất vụ mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp (mưa bão, giông lốc xảy ra bất thường, nền nhiệt độ cao) nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về sâu bệnh hại, đặc biệt bệnh lùn sọc đen, ngộ độc hữu cơ đầu vụ, lúa đổ non làm giảm năng suất, tăng tỷ lệ thất thoát trên đồng ruộng. Để giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại trong sản xuất lúa mùa cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ.

Ảnh minh họa.

1. Đối với bệnh lùn sọc đen

Để hạn chế sự phát sinh của bệnh lùn sọc đen cần áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác sớm ngay từ đầu vụ như sau:
Thực hiện làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô.

Không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Ở những địa phương vụ trước có lúa bị bệnh lùn sọc đen cần xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy, phun trừ rầy cho mạ trước khi cấy, dùng thuốc nội hấp.
Hạn chế sử dụng những giống lúa đã xác định nhiễm rầy nặng, sử dụng các giống kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy.

Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” hoặc SRI ở nơi có điều kiện để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.

2. Đối với hiện tượng ngộ độc hữu cơ đầu vụ

Sau khi thu hoạch lúa xuân, lượng rơm rạ còn tồn dư trên đồng ruộng nhiều, giai đoạn đầu vụ nếu gặp nắng hạn lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, phát triển chậm.

Thời gian chuyển vụ từ xuân sang mùa rất ngắn, để rơm rạ phân hủy kịp cần giữ nước đều trên ruộng, thực hiện phương châm gặt đến đâu làm đất ngay đến đó.

Nên sử dụng vôi bột hoặc các chế phẩm xử lý rơm rạ hoặc phân vi sinh để xử lý trong quá trình làm đất, như chế phẩm Sumitri, AT-YTB, phân vi sinh... Giúp phân hủy nhanh rơm rạ, các chất hữu cơ, tạo chất mùn làm tơi xốp đất, bổ sung các chất dinh dưỡng và vi sinh vật cần thiết, tăng cường độ phì nhiêu của đất, tăng cường khả năng chống chịu, hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa.

+ Cách sử dụng: Mỗi sào dùng 1 gói (125 gam) chế phẩm Sumitri hoặc ít nhất 100 gam chế phẩm ATYTB, trộn đều với cát sạch, rắc đều trên mặt ruộng ngay trước hoặc sau khi lồng dập rạ (lưu ý ruộng phải có nước), sau đó giữ nước 7 - 10 ngày rồi tiến hành bừa cấy.

Đối với vôi bột: Sử dụng 20 - 25 kg/sào, rắc sau khi cày lồng dập rạ.

Đối với phân vi sinh hoặc các chế phẩm xử lý rơm rạ khác sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thực hiện theo nguyên tắc bón lót sâu, bón thúc sớm:

Bón lót: Tốt nhất là ngay khi làm đất, bừa ngả. Bón lót sâu giúp phân được vùi sâu vào đất, hạn chế phân bón bay hơi và rửa trôi.

Bón thúc đẻ nhánh: Bón thúc sớm, ngay sau cấy 3 - 5 ngày, để lúa đẻ nhánh sớm và đẻ tập trung.

Nên sử dụng các loại phân bón tổng hợp chuyên dùng cho lúa, bổ sung phân bón có chứa Silic, Bo để giúp lúa cứng cây, chống đổ tốt, hạt mẩy. Hạn chế sử dụng phân bón đơn, đặc biệt hạn chế việc sử dụng đạm đơn cho lúa mùa.

3. Đối với hiện tượng lúa đổ non

Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật giúp cây lúa có bộ rễ phát triển tốt, ăn sâu, ăn rộng, thân cây lúa cứng, bộ lá không rậm rạp.
Sử dụng các giống lúa cứng cây, thấp cây, giống có cổ bông ngắn.

Làm đất bảo đảm sau cấy lúa không bị ngộ độc hữu cơ, không bị bốc chua.

Thực hiện bón phân theo nguyên tắc: cân đối - đủ lượng - đúng lúc - đúng cách, quan sát chiều cao và màu sắc lá lúa để điều chỉnh lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm.

Thực hiện biện pháp điều tiết nước tưới theo nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ. Năng suất lúa mùa là kết quả tổng hợp của thời tiết, đất đai, giống lúa và việc thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc, bảo vệ. Trong đó, các biện pháp cơ bản là tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu, phát triển rộng, hạn chế lúa đổ non, thân, lá sạch sâu bệnh, bố trí thời vụ để lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết có nắng, góp phần tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày