Thứ 6, 17/01/2025, 06:37[GMT+7]

Làm giàu từ chế biến cá rô đồng

Thứ 2, 20/07/2020 | 09:08:59
3,657 lượt xem
Cơ sở chế biến cá rô đồng của chị Nguyễn Thị Nhàn, thôn Bùi Tiến, xã Duyên Hải (Hưng Hà) là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Từ chỗ chỉ nuôi và bán cá thương phẩm, gia đình chị đã đầu tư nhân công, máy móc để chế biến cá rô đồng, tạo việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cơ sở chế biến cá rô đồng của chị Nguyễn Thị Nhàn tạo việc làm cho 13 lao động địa phương.

Xuất phát điểm với nghề kinh doanh thức ăn chăn nuôi, được đi nhiều nơi, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, chị Nhàn đã ấp ủ mơ ước làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy cá rô đồng là đối tượng thủy sản cho thu nhập tốt, dễ chăm sóc, năm 2015 gia đình chị quyết định chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá rô đồng với tổng diện tích hơn 1ha. Tận dụng nguồn nước tự nhiên, chị Nhàn đã đầu tư nhà lưới, xây dựng ao nuôi kiên cố, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong quá trình nuôi thả. Chị Nhàn cho biết: Tôi xây dựng 6 ao nuôi cá rô đồng, trong đó 1 ao được thiết kế nhà lưới để nuôi thả con giống. Cá rô đồng tôi đang nuôi có ưu điểm là lớn rất nhanh, vào chính vụ nuôi từ 3 - 4 tháng cá có thể đạt trọng lượng từ 5 - 7 con/kg, một năm gia đình tôi thu hơn 150 tấn cá rô đồng.

Nuôi cá rô đồng có thể tận dụng các phụ phẩm, thức ăn thừa từ sinh hoạt hàng ngày của gia đình nấu với cám làm thức ăn cho cá nhằm tiết kiệm chi phí. Nếu như nuôi trong điều kiện bình thường, mùa đông là thời gian cá bỏ ăn, ngủ đông, thậm chí có thể bị chết nếu nhiệt độ xuống quá thấp. Nhưng với mô hình của chị Nhàn, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc cá đúng cách và thay nước thường xuyên để giữ ấm nên cá vẫn sinh trưởng và phát triển nhanh. Với nguồn cá rô sẵn có, nếu chỉ xuất bán cho thương lái thì hiệu quả kinh tế đem lại thấp. Nhận thấy nhu cầu cá rô đồng chế biến sẵn trên thị trường còn nhiều tiềm năng nên cuối năm 2019, chị Nhàn quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng để làm kho lạnh, mua máy cấp đông, thuê thêm 13 lao động để chế biến cá rô đồng. Chị Nhàn chia sẻ thêm: Mỗi ngày, xưởng của gia đình chế biến được 2 tạ cá rô thương phẩm. Cá rô sau khi loại bỏ sạch xương sẽ được cho vào phòng bảo quản để đưa đi tiêu thụ, một phần khác thì sẽ được chế biến thành cá kho để cung ứng cho các siêu thị. Hiện nay, tôi đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về gần 1 tỷ đồng/năm.  

Chị Phùng Thị Tươi, thôn Bùi Tiến, xã Duyên Hải cho biết: Làm việc tại cơ sở của chị Nhàn tôi có thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng mà công việc không vất vả, chỉ việc lọc xương cá cẩn thận là được. Môi trường làm việc rất tốt, lại không độc hại nên tôi yên tâm gắn bó với cơ sở của chị Nhàn.

Theo chị Nhàn: Hiện nay, nhu cầu mua cá rô đồng rất lớn nên tôi đã liên kết sản xuất với các hộ xung quanh nuôi cá rô đồng để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ thuê thêm lao động, xây dựng thương hiệu và gắn tem, mã QR để tiện cho khách hàng truy xuất nguồn gốc và nhận diện sản phẩm. Tôi mong các cấp hội nông dân sẽ giúp đỡ những hội viên nông dân như tôi về khoa học, kỹ thuật, vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà đánh giá: Mô hình chế biến cá rô đồng của hội viên Nguyễn Thị Nhàn đã nâng giá trị con cá rô đồng lên gấp đôi, không chỉ cho thu nhập cao mà còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Từ mô hình này, Hội Nông dân huyện Hưng Hà sẽ tiếp tục nhân rộng, khuyến khích và tạo điều kiện về vốn, giống, khoa học kỹ thuật giúp hội viên phát triển kinh tế, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày