Thứ 5, 07/11/2024, 23:33[GMT+7]

HTX Kinh doanh DVNN xã An Lễ: Địa chỉ tin cậy của nông dân

Thứ 6, 31/07/2020 | 08:18:31
1,459 lượt xem
Là xã đa nghề, lực lượng lao động trong nông nghiệp vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng khiến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, HTX Kinh doanh (KD) DVNN xã An Lễ (Quỳnh Phụ) đã nhạy bén, mạnh dạn đầu tư máy cấy, triển khai dịch vụ cấy lúa phục vụ thành viên.

Mỗi vụ, HTX Kinh doanh DVNN xã An Lễ cấy thuê cho thành viên khoảng 40ha.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã An Lễ đề ra trong tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch tiến tới bảo quản. Sau khi học hỏi mô hình cấy máy ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, HTX đã xây dựng kế hoạch mua máy móc và được sự đồng ý, ủng hộ cao từ chính quyền địa phương. Năm 2016, HTX đầu tư mua 2 máy cấy và giàn gieo mạ khay tự động với mục tiêu cung cấp dịch vụ cấy bằng máy, cung ứng mạ cho nông dân trong xã. Ông Đinh Đăng Long, Quyền Giám đốc HTX KD DVNN xã An Lễ cho biết: Lúc đầu đem máy cấy về trình diễn, người dân thấy lạ lẫm và không mặn mà vì cho rằng cây mạ được cấy xuống yếu ớt, mật độ lại thưa. Nhưng qua quá trình cây lúa sinh trưởng, với những ưu điểm như: ít sâu bệnh, giảm chi phí, công sức, năng suất cao lại bảo đảm thời vụ, bà con hưởng ứng tích cực. Trung bình mỗi vụ HTX hợp đồng cấy khoảng 40ha cho thành viên. Chất lượng mạ tốt, gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật, lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho vụ lúa bội thu đã giúp thành viên tin tưởng vào dịch vụ của HTX. Chi phí sản xuất mạ và công cấy trung bình 250.000 đồng/sào, trong khi bình thường, nông dân thuê lao động cấy thủ công mất khoảng 300.000 đồng/sào, chưa tính chi phí sản xuất mạ (mua giống, làm đất, mua nilon quây tránh chuột cắn phá...), công sức ngâm ủ, gieo mạ. Như vậy, sử dụng máy cấy giúp giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha so với phương pháp cấy thủ công. Mặt khác, tốc độ gieo cấy bằng máy cũng vượt trội gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công. Với dòng máy cấy dắt tay 4 hàng của Kubota, công suất đạt 3 mẫu/ngày, gấp khoảng 30 lần so với lao động thủ công, nhờ đó tiết kiệm lao động và chi phí đầu tư. Đặc biệt, khi cấy máy mạ khay đã được xử lý sâu bệnh rất tốt trước khi đưa ra ruộng cấy, khoảng cách hàng sông, hàng tay của lúa đều, bảo đảm kỹ thuật, vì vậy diện tích lúa cấy máy thường hạn chế sâu bệnh hơn so với lúa cấy thủ công, chi phí đầu tư thuốc trừ sâu giảm, năng suất lúa nâng lên.

Trong bối cảnh lao động công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng cao, các khoản chi phí đầu tư giống, nhân công cao thì việc ứng dụng mô hình máy cấy, mạ khay vào sản xuất là phù hợp với thực tế địa phương và xu thế chung của nông nghiệp. Vụ mùa năm nay, HTX KD DVNN xã An Lễ đầu tư thêm 1 máy cấy dắt tay 4 hàng Kubota để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thành viên. Cùng với 2 máy của tư nhân, toàn xã có 5 máy cấy, nâng diện tích cấy bằng máy lên khoảng 90ha, chiếm 1/3 tổng diện tích gieo cấy toàn xã, giảm tình trạng bỏ ruộng hoang.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư máy cấy, HTX còn trang bị thêm máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, “làm thuê” cho thành viên trọn gói các khâu từ làm đất, cấy, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật đến thu hoạch. Cụ thể, khi ký hợp đồng với HTX, nông dân chỉ cần giao ruộng và chi phí sản xuất cho HTX rồi yên tâm đi làm việc khác, cuối vụ nhận thóc. Dịch vụ này phục vụ khoảng 10% số thành viên. “Hiện nay, nông dân cấy với diện tích nhỏ lẻ chủ yếu lấy thóc, gạo phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Vì vậy, khi chúng tôi hình thành dịch vụ này, phải khẳng định “đôi bên cùng có lợi”, nông dân không tốn công chăm sóc lúa nhưng vẫn có sản lượng ổn định, có thời gian làm việc khác để có thêm thu nhập. HTX cũng có thêm nguồn thu, chủ động điều hành các khâu sản xuất” - ông Long cho biết thêm.

HTX KD DVNN xã An Lễ thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế địa phương khi nhạy bén triển khai dịch vụ cấy máy, sản xuất lúa trọn gói; đi đầu trong thực hiện tích tụ ruộng đất khi đứng ra thuê lại 10ha ruộng bỏ hoang của thành viên để trồng cây dược liệu có liên kết bao tiêu với doanh nghiệp.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày