Thứ 6, 17/01/2025, 14:11[GMT+7]

Cảnh giác với bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa

Thứ 2, 10/08/2020 | 08:44:58
2,673 lượt xem
Tại Thái Bình, trong các năm 2009, 2010, 2017, bệnh lùn sọc đen (LSĐ) xuất hiện, gây hại cho nhiều diện tích lúa. Những năm qua, để phòng tránh bệnh LSĐ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý đất, hạt giống, trừ rầy môi giới... với quyết tâm không để bệnh xuất hiện trở lại.

Bà con nông dân cần nhổ và tiêu hủy những khóm lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen như lá xanh đậm, bộ rễ ăn ngang, cây lúa kém phát triển...

Vụ mùa năm nay, do nhiều yếu tố, hiện bệnh LSĐ đã phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng, trừ kịp thời.

Hiện trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, trà lúa đại trà ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để chủ động phát hiện sớm và thực hiện quy trình quản lý kỹ thuật bệnh LSĐ hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các địa phương thu thập mẫu rầy lưng trắng và cây lúa để giám định. Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến, tăng cường các biện pháp phòng, trừ bệnh LSĐ hại lúa và bảo vệ lúa mùa.

Kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh LSĐ đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương từng bị nhiễm LSĐ nặng năm 2017. Kết quả giám định mẫu từ ngày 20 - 24/7 đã có 12/140 mẫu rầy dương tính với bệnh LSĐ. Tỷ lệ cây bị bệnh tăng nhanh trên đồng ruộng, đặc biệt ở các vùng lúa gieo thẳng và lúa cấy sau ngày 10/7. Mặt khác, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa nên nông dân các địa phương chưa tiến hành phun thuốc trừ rầy (môi giới truyền bệnh LSĐ), nguồn rầy di trú tiếp tục bổ sung mật độ trên đồng ruộng, nhiều nơi lên đến hàng nghìn con/m2

Bà Phạm Thị Vui, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải cho biết: Để phòng, tránh bệnh LSĐ, bảo vệ lúa mùa, huyện Tiền Hải phát động nông dân phun trừ rầy từ ngày 29/7 - 5/8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2, trời liên tục có mưa, nông dân trong huyện mới phun trừ rầy cho khoảng trên 20% diện tích lúa mùa, tập trung ở các địa phương gieo cấy sớm như Tây Lương, Đông Quý, Đông Phong... Hiện nay, mật độ rầy trên đồng ruộng khá cao, tập trung ở những diện tích chưa phòng, trừ. Rầy non tuổi 1 đến tuổi 3 mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, nơi cao 300 - 500 con/m2, cục bộ 700 - 1.000 con/m2, ổ từ 2.000 - 3.000 con/m2. Các xã có mật độ rầy cao như Đông Long, Đông Trà, Tây Ninh, Bắc Hải... Đây là lứa rầy có nguy cơ rất cao lây truyền vi rút gây bệnh LSĐ cho lúa mùa. 

Thực tế trên đồng ruộng một số xã: Đông Quý, Đông Long, Đông Hoàng, Đông Xuyên xuất hiện rải rác cây lúa có triệu chứng của bệnh LSĐ. Trạm đã phân công cán bộ theo dõi sát tình hình thời tiết, sâu bệnh, các đối tượng gây hại khác trên lúa mùa để có biện pháp hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời. Trong điều kiện thời tiết có mưa, cần tuyên truyền sâu rộng để nông dân nắm được, tranh thủ phun thuốc lúc tạnh ráo, thời gian phun trừ rầy tốt nhất trước ngày 8/8. Nhổ và tiêu hủy những khóm lúa có biểu hiện của bệnh LSĐ như lá xanh đậm, bộ rễ ăn ngang, cây lúa kém phát triển...

Trước diễn biến của dịch bệnh trong vụ mùa này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục điều tra, theo dõi diễn biến của rầy lưng trắng và bệnh LSĐ cũng như các đối tượng sâu bệnh hại khác, tham mưu kịp thời các phương án phòng, trừ có hiệu quả cao nhất. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng, trừ bệnh LSĐ, phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến phát sinh gây hại của rầy lưng trắng, bệnh LSĐ trên từng trà lúa. Việc phòng bệnh LSĐ chỉ có tác dụng trước khi cây lúa phân hóa đòng, vì vậy các địa phương có nguy cơ bệnh phát sinh nặng như: Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương cần khoanh vùng và tổ chức tuyên truyền lưu động, huy động nhân dân ra đồng kiểm tra và phun thuốc trừ rầy phòng bệnh LSĐ trước khi lúa phân hóa đòng.

Hiện nay, bệnh LSĐ chưa có thuốc đặc trị, khi phát hiện lúa có triệu chứng bệnh đều phải tiêu hủy. Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời điểm này bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên; thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ rầy lưng trắng trên những diện tích lúa có mật độ rầy cao để phòng bệnh LSĐ bằng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả và tránh lây lan ra diện rộng.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày