Thứ 6, 29/11/2024, 19:32[GMT+7]

Ông Tầm làm giàu từ cây dược liệu

Thứ 4, 02/09/2020 | 14:30:27
3,507 lượt xem
Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Hà Duy Tầm, thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) đã kiên trì, tích cực học hỏi, xây dựng thành công mô hình trồng cây dược liệu cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Mô hình của CCB Hà Duy Tầm (bên phải) cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm

Năm 2001, CCB Hà Duy Tầm mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Cùng với đó, ông chọn trồng các loại cây dược liệu như: đinh lăng, hòe, gấc để tăng thu nhập, trong đó hoè được chọn là cây chủ lực. 

Ông Tầm chia sẻ: Cơ duyên đưa tôi đến với cây hòe cũng rất tình cờ. Cách đây khoảng 30 năm, sau khi xuất ngũ về địa phương, trong một lần lên Hà Nội tôi mua 6 cây hòe của Trung tâm Giống cây trồng Từ Liêm về trồng. Sau thời gian trồng thử nghiệm, tôi cho lai với giống hòe của địa phương. Gần 20 năm sau, tôi vừa làm nghề mộc vừa tiếp tục nghiên cứu về điều kiện sống, cách phòng, trừ sâu bệnh cho cây hòe để lai tạo ra giống hòe cao sản cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất.

Quỹ đất dưới gốc cây hòe, CCB Hà Duy Tầm trồng thêm cây đinh lăng để làm dược liệu, bên trên đầu tư giàn treo để cây gấc có điều kiện phát triển. Theo ông Tầm: Hòe là cây có tán rộng, tạo bóng mát, rất thích hợp để trồng cây đinh lăng phía dưới bởi đinh lăng là giống cây dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh, không phải tưới nước nhiều, không tốn nhiều công chăm sóc như những cây trồng khác nhưng giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn

Năm 2009, sau khi chuyển ra khu vực chuyển đổi, có quỹ đất rộng hơn, ông Tầm bắt tay vào trồng hòe thương phẩm. Dù trồng cùng nhau nhưng 2 loại cây hòe, đinh lăng phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1 sào đất trồng được 56 cây hòe cao sản thì bên dưới kết hợp có thể trồng khoảng 700 gốc đinh lăng, năm đầu cho thu nhập hơn 60 triệu đồng; những năm tiếp theo, hòe cao sản cho năng suất gấp 3 - 4 lần năm đầu tiên, thu nhập sẽ tiếp tục tăng lên.

Hiện nay, mô hình của CCB Hà Duy Tầm trồng hơn 3.000 gốc hòe, hơn 38.000 gốc đinh lăng giống, cây đinh lăng thành phẩm, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Ông Tầm cùng hơn 60 hộ gia đình trong và ngoài huyện Quỳnh Phụ đã liên kết trồng đinh lăng, hòe làm dược liệu với tổng diện tích hơn 80ha. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch từ hòe, đinh lăng được ông Tầm thu mua cho các hộ gia đình.

Ông Tầm chia sẻ: Thu hoạch hoa hòe nên chọn hôm trời nắng ráo, hoa hòe chín, cương to, hạt mẩy thì tiến hành thu hoạch. Khi bẻ cành không nên bẻ quá sâu, bẻ hết phần cành hoa như vậy cây hòe sẽ nhanh ra hoa hơn. Cành hòe sau khi thu hoạch đem loại bỏ lá rồi vò lấy hạt xong đem ủ vào bao từ 10 - 15 phút rồi đem phơi hoặc sấy khô. Nụ hòe sau khi sấy khô, phải bảo quản kỹ tránh để ẩm mốc. Thông thường vào vụ thì cứ 7 - 10 ngày lại tiến hành thu hoạch hoa một lần, không nên thu hoạch lúc nụ còn non hoặc hoa đã nở sẽ làm giảm năng suất, chất lượng. Cây hòe sau khi thu hoạch cần bón bổ sung đạm, lân, phân chuồng cho cây nhằm bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển tốt trong những năm tiếp theo.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Tiến đánh giá: Từ vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, CCB Hà Duy Tầm đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều hội viên CCB và con em của họ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho hội viên tham quan mô hình của CCB Hà Duy Tầm để có thể học tập kinh nghiệm; vận động hội viên tận dụng quỹ đất xen kẹp, đất vườn để trồng đinh lăng, hòe vừa có thêm thu nhập, tạo mối liên kết sản xuất giữa CCB Hà Duy Tầm với những hội viên khác, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.

Tiến Đạt

NguyenXuanTuong - 4 năm trước

AC cho e xin số điện thoại chú Hà Duy Tầm được ko ạ, em xin cảm ơn

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày