Thứ 6, 08/11/2024, 05:29[GMT+7]

Đông Hưng: Mở hướng làm giàu cho nông dân

Thứ 6, 11/09/2020 | 11:01:51
2,883 lượt xem
Những năm qua, từ chủ trương của tỉnh khuyến khích các địa phương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng những giống cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao đã mở hướng làm giàu cho nông dân toàn tỉnh nói chung, nông dân huyện Đông Hưng nói riêng.

Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả của anh Vũ Văn Hải, xã Hồng Việt (Đông Hưng) mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.

Trước đây, với mỗi sào lúa gia đình anh Vũ Văn Hải, thôn Quán Thôn, xã Hồng Việt (Đông Hưng) chỉ thu được khoảng 2 tạ thóc. Sau khi trừ các chi phí như giống, thuê máy cày bừa, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy gặt... không còn được là bao, năm nào sâu bệnh nhiều, gặp bão gió còn lỗ. Từ năm 2014, anh Hải mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng chuyển đổi 1 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang ươm cây giống, trồng cây công trình nên đã cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. 

Anh Hải cho biết: Một năm gia đình thu từ ươm cây giống, trồng cây công trình đạt 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình nhờ đó cũng được nâng lên, chúng tôi có cuộc sống khá giả hơn.

Khi một số hộ dân ở Hồng Việt đang loay hoay vì việc sản xuất lúa không mấy hiệu quả do thiên tai, sâu bệnh thì tỉnh, huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như luồng gió mới mở ra hướng làm giàu cho họ. Bà con phấn khởi chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp để ươm trồng cây giống, cây cảnh các loại cung cấp cho thị trường. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Việt cho biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã đáp ứng nhu cầu của địa phương, của người dân nên được đón nhận và thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được gần 106ha vườn, trên 80ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống các loại. Kinh tế vườn đã phát huy được thế mạnh, cho thu nhập bình quân 280 triệu đồng/ha/năm, góp phần đưa giá trị ngành trồng trọt của xã năm 2020 ước đạt 79,3 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 14,3% và đưa thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 ước đạt 45 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống còn 2,31%.

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Do vậy, những năm qua, huyện Đông Hưng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, được nhân dân đồng tình vào cuộc mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. 

Cũng từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, vùng sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh. Như vùng trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống ở các xã Hồng Việt, Minh Tân, Phú Lương; trồng hồng xiêm ở Lô Giang; trồng mít dai vàng ở Hà Giang; trồng chuối ven sông của các xã Minh Phú, Hồng Bạch; trồng cây vụ đông ở các xã An Châu, Đông Xá, Mê Linh... 

Thực tế sản xuất cho thấy, việc chuyển đổi từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác và rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay.  

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của ngành trồng trọt hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện Đông Hưng, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều diện tích ruộng bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị sản xuất. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng cơ cấu giống cây trồng hợp lý, đạt năng suất, chất lượng cao, Đông Hưng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, đến hết năm 2025, toàn huyện sẽ chuyển đổi khoảng 2.850ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm, hoa, cây cảnh, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc có giá trị cao hơn trồng lúa. Năm 2020, tập trung xây dựng thành công 2 mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hồng xiêm ở Lô Giang và cây mít dai vàng ở Hà Giang. Đây là các giống cây ăn quả quý của 2 địa phương cần được bảo tồn, nhân rộng. 

Ông Vũ Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Lô Giang cho biết: Lô Giang hiện có 35ha trồng hồng xiêm, cây hồng xiêm đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ gia đình. Xã đã xây dựng đề án chuyển đổi thêm 10ha đất trồng lúa sang trồng hồng xiêm. Để thực hiện hiệu quả đề án, xã lựa chọn vùng đất phù hợp ở 2 thôn Hoàng Nông và Phú Nông, chọn giống từ các cây hồng xiêm bố mẹ có chất lượng cao để nhân ra diện rộng.   

Lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc chuyển đổi phải bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước, tránh tình trạng tự phát. 

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Trên cơ sở diện tích đăng ký chuyển đổi của các xã, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện giao chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình chuyển đổi ở từng hộ, nghiêm cấm việc làm nhà ở, công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp trên khu đất chuyển đổi. Huyện cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nông dân yên tâm thực hiện chuyển đổi.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày