Thứ 6, 29/11/2024, 23:33[GMT+7]

Hiệu quả mô hình nuôi vỗ béo bò thịt

Thứ 4, 30/09/2020 | 09:25:46
5,823 lượt xem
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai mô hình “Vỗ béo bò thịt” với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Mục tiêu của mô hình là nâng cao năng suất, giá trị trong chăn nuôi bò gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường; thông qua các hộ tham gia sẽ góp phần nhân rộng ra cộng đồng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hộ ông Đỗ Văn Thuần, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) tham gia mô hình nuôi vỗ béo bò thịt.

Là 1 trong 12 hộ được lựa chọn thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo của xã Việt Hùng (Vũ Thư), gia đình ông Nguyễn Văn Đức không chỉ được hỗ trợ thức ăn hỗn hợp và thuốc tẩy ký sinh trùng, chế phẩm vi sinh làm đệm lót cho bò mà còn được hướng dẫn kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn và cách vỗ béo bò. Ông Đức cho biết: Sau hơn 2 tháng, đàn bò của gia đình phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. Trung bình mỗi ngày bò vỗ béo của gia đình tôi tăng khoảng 750g. Nuôi bò vỗ béo thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi tự nhiên như trước đây nên thời gian tới tôi dự định sẽ đầu tư chuồng trại, bể ủ thức ăn để áp dụng hiệu quả các kỹ thuật được chuyển giao từ mô hình.

Gia đình ông Trần Xuân Tĩnh, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) hiện đang nuôi 14 con bò, trong đó có 5 con bò sinh sản, 8 con bò thịt được lựa chọn để tham gia mô hình. Ông Tĩnh chia sẻ: Nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những vật nuôi khác bởi dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công lao động; trung bình mỗi năm tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Tham gia mô hình, chúng tôi không chỉ được hỗ trợ một phần vật tư phục vụ chăn nuôi mà còn được hỗ trợ chế phẩm vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học. Với cách chăn nuôi này, bò được vệ sinh thú y, nuôi nhốt, cho ăn thức ăn hỗn hợp nên con nào cũng béo tốt, bán được giá cao lại giải quyết được bài toán môi trường, giảm rất nhiều công vệ sinh chuồng trại. Với nhiều lợi ích từ đệm lót sinh học, tôi đã đầu tư mở rộng làm đệm lót sinh học cho toàn bộ đàn bò cùng chuồng nuôi trên 300 con gà, vịt.

Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo xác định: Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao phải dựa trên đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và khai thác, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo đảm hiệu quả kinh tế, vệ sinh môi trường. 

Bám sát định hướng đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò quy trình khép kín từ chọn giống, chuẩn bị chuồng nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo, xử lý rơm, rạ làm thức ăn, vệ sinh môi trường... thông qua các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo. Năm 2020, Trung tâm đã xây dựng 1 mô hình vỗ béo bò thịt với 2 điểm trình diễn tại 2 xã Việt Hùng, Xuân Hòa của huyện Vũ Thư, tổng quy mô 140 con, 20 hộ tham gia. Vũ Thư được lựa chọn thực hiện mô hình bởi đây là một trong hai địa phương có tổng đàn bò nhiều nhất tỉnh với số lượng trên 7.400 con. Các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định như: có bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo; có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường, có khả năng đối ứng theo yêu cầu dự án; có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình của dự án; chưa nhận được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình...

Về vật tư hỗ trợ gồm thức ăn, thuốc tẩy nội ngoại ký sinh trùng bảo đảm đủ số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng quy định, có hỗ trợ của nhà nước và đối ứng của các nông hộ theo tỷ lệ 50% - 50%. Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức 2 lần cấp phát thức ăn cho hộ tham gia mô hình, tổng số lượng 18.900kg thức ăn hỗn hợp cho bò vỗ bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Trung tâm đã tổ chức cho 20 hộ tham gia mô hình tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, thuyết trình có hình ảnh minh họa, thảo luận nhóm, chú trọng thực hành cầm tay chỉ việc, kết hợp tham quan mô hình vỗ béo bò thịt; đã cấp sổ ghi chép cho các hộ tham gia và hướng dẫn cụ thể các nội dung ghi chép sổ sách để tổng hợp báo cáo cũng như giúp hộ chăn nuôi hạch toán kinh tế. Đàn bò được kiểm tra sức khỏe, bấm thẻ tai theo dõi, đo trọng lượng, phân loại, tẩy ký sinh trùng... Sau hơn 2 tháng đưa vào vỗ béo, đàn bò vỗ béo tăng trọng từ 750 - 850g/con/ngày, cho giá trị kinh tế cao hơn so với cách nuôi bò truyền thống khoảng 15%.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Chăn nuôi bò thịt vỗ béo đã làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân, giúp người dân biết cách chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên, tự phát sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao; chăn nuôi bảo đảm vệ sinh để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Mô hình sẽ tiếp tục được triển khai trong các năm 2021, 2022; kết quả của các mô hình là căn cứ để Trung tâm tổng kết, tham mưu ngành Nông nghiệp có chính sách, biện pháp phù hợp để quản lý, phát triển và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ngày càng hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày