Thứ 6, 29/11/2024, 23:29[GMT+7]

Tiền Hải: Nâng cao vai trò của HTX trong phát triển kinh tế

Thứ 6, 02/10/2020 | 09:07:18
1,828 lượt xem
Những năm qua, huyện Tiền Hải thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó các HTX đã tích cực tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho xã viên và nông dân, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Thu mua lúa giống tại HTX SXKD DVNN xã Nam Thắng (Tiền Hải).

Điểm sáng xây dựng chuỗi liên kết

Hơn 20 năm qua, việc liên kết sản xuất lúa giống giữa HTX SXKD DVNN xã Đông Quý với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp theo liên kết “4 nhà” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đồng thời giúp doanh nghiệp cung ứng một số lượng lớn lúa giống đạt chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi vụ, diện tích cấy lúa giống của xã Đông Quý đều đạt khoảng 170ha, chủ yếu cấy giống lúa Bắc thơm số 7. Giá trị kinh tế bán thóc giống của nông dân xã Đông Quý cho ThaiBinh Seed khoảng trên 5 tỷ đồng/vụ.

Không chỉ ở HTX SXKD DVNN xã Đông Quý, tùy theo đặc điểm của địa phương, các HTX trên địa bàn huyện Tiền Hải đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Ông Trần Văn Thao, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Thắng cho biết: Mô hình cấy lúa giống TBR225 với ThaiBinh Seed được triển khai ở địa phương từ năm 2014 với diện tích 20ha, đến nay đã tăng lên trên 100ha. Việc triển khai mô hình cấy lúa giống TBR225 theo phương thức liên kết, trong đó phía công ty cung cấp lúa giống trả chậm để nông dân sản xuất theo quy trình, cuối vụ căn cứ vào giá thị trường trước thời điểm thu mua mức giá cao hơn lúa thường 1,3 lần nên khi tham gia cấy lúa giống nông dân không chỉ có lợi về kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất ra giống canh tác có khả năng kháng bệnh cao. Ngoài ra, các hộ nông dân còn được HTX cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm.

Đối với HTX chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên, tháng 1/2020 được chuyển đổi từ tổ hợp tác sang HTX, có 40 hội viên với một số ngành nghề chính: dịch vụ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, liên kết bao tiêu sản phẩm. Đã có 13 hội viên đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình của xã viên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi vịt, ngan, gà thương phẩm; nuôi vịt biển, ếch, ốc bươu ta sinh sản... với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 

Nói về vai trò liên kết tiêu thụ sản phẩm cho xã viên của HTX, ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên chia sẻ: HTX đã ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ đầu vào, chuyển giao và giám sát quy trình kỹ thuật, phối hợp kế hoạch sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của xã viên khi tham gia chuỗi liên kết, góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh và thu nhập của các hộ thành viên. Thời gian tới, HTX tiếp tục là cầu nối để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào giá rẻ, bảo đảm chất lượng, an toàn và có địa chỉ tin cậy.

Xã viên HTX SXKD DVNN xã Đông Quý (Tiền Hải) thực hiện khâu khử lẫn trên diện tích cấy lúa giống.

Để HTX ngày càng phát huy hiệu quả

Theo đánh giá, các HTX trên địa bàn huyện Tiền Hải đều xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh - dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; tổ chức bộ máy ban quản lý gọn nhẹ, hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Các HTX đều xác định thành viên là hộ gia đình, hộ cử người đại diện đăng ký là thành viên HTX. Đến nay đã có 54.271 hộ gia đình đăng ký tham gia là thành viên HTX. Tổng số đại biểu thành viên của 34 HTX là 4.241 người, bình quân 1 HTX có 148 đại biểu thành viên. Số vốn điều lệ 43,696 tỷ đồng. Các HTX ngoài việc thực hiện các khâu dịch vụ chính như thủy nông, bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, nhiều HTX đã thích ứng với nền kinh tế thị trường, mở rộng dịch vụ như kho lạnh, giống thủy sản, máy nông nghiệp, đánh chuột... Hầu hết các dịch vụ kinh doanh của HTX đều có lãi, doanh thu bình quân 1 HTX là 1,89 tỷ đồng/năm. Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã và đang mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Tiền Hải, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng.

Để mô hình HTX ngày càng phát huy hiệu quả, là chỗ dựa cho xã viên, nông dân, huyện Tiền Hải tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên. Kết nối với các doanh nghiệp thực hiện liên kết với các HTX để đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tiếp cận quỹ phát triển HTX và quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Củng cố các HTX và thành lập mới các HTX nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, hoạt động của các HTX, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các HTX, giúp hoạt động của các HTX trên địa bàn ngày càng ổn định và phát triển, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày