Thứ 6, 08/11/2024, 07:25[GMT+7]

Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan

Thứ 2, 12/10/2020 | 09:57:39
7,726 lượt xem
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt hơn 647.000 con (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019). Việc phát triển đàn lợn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt, quy mô đàn lợn tăng mạnh. Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh lân cận với Thái Bình đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan cao, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tái phát.

Người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập Đội kiểm dịch động vật lưu động, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là những trường hợp kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc. 

Ông Vũ Minh Hải, Đội trưởng Đội kiểm dịch động vật lưu động cho biết: Từ đầu năm đến nay, trong quá trình kiểm tra, Đội đã phát hiện nhiều trường hợp người dân vận chuyển lợn ốm hoặc đã chết từ tỉnh ngoài vào Thái Bình để tiêu thụ. Qua kiểm tra, chủ các phương tiện vận chuyển không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch, Đội đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tiêu hủy số lợn chết theo quy định.

Cùng với tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật nhằm ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm lây nhiễm vào đàn vật nuôi trong tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan. Trong đó yêu cầu các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh đã tái phát tại một số địa phương lân cận cũng như tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch như: tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc; thành lập các đội tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc người dân bán chạy lợn ốm, chết; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi; chấp hành nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo quy định; thực hiện tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; khi có ổ dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cần khẩn trương áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt các giải pháp xử lý dịch theo quy định.

Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cùng với sự lưu hành của mầm bệnh trong môi trường dẫn đến nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn lợn. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ngoài việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần nắm rõ dấu hiệu nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi để kịp thời đối phó khi dịch bệnh xảy ra. 

Bà Hoàng Thị Miền, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên lợn, không lây sang người. Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho lợn. Ngoài thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi cần thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch, đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra ngoài môi trường. Khi xuất hiện có lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày