Thứ 6, 08/11/2024, 09:50[GMT+7]

Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết

Thứ 6, 16/10/2020 | 09:23:19
3,081 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Cùng với thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tái đàn lợn, tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, trong đó chú trọng chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp, cụ thể là phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết.

Trang trại của gia đình ông Bùi Văn Bốn, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) nuôi bò với quy mô hơn 70 con.

Hướng đi phù hợp

Trước đây, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Đỗ Văn Trường ở thôn Lộng Khê 5, xã An Khê (Quỳnh Phụ) thường xuyên nuôi 600 con lợn thịt. Tháng 4/2019, trang trại bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến hơn 30 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Sau khi bệnh dịch được khống chế, ông Trường đã tích cực tái đàn lợn khôi phục sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc chữa đặc hiệu nên ông chỉ dám tái đàn với quy mô dưới 200 con, chưa bằng 1/3 so với tổng đàn trước đây. Diện tích chuồng trại còn trống, ông Trường đã cải tạo chuyển sang chăn nuôi bò thương phẩm. 

Ông Trường cho biết: Nhận thấy chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều rủi ro về nguy cơ dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên tôi chuyển sang nuôi bò vì đây là vật nuôi có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa thức ăn cho bò chủ yếu tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp có sẵn tại địa phương như rơm, rạ, cây chuối, cây ngô... nên tiết kiệm được đáng kể chi phí chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò của gia đình tôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nhờ vậy đã giảm tối đa ảnh hưởng tới môi trường, giảm công lao động, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại trang trại nuôi 35 con bò, trong đó có 17 con bò sinh sản, còn lại là bò thịt. Sau khi trừ hết chi phí chăn nuôi thì cuối năm nay gia đình tôi thu lãi khoảng 130 triệu đồng.

Cũng xây dựng trang trại chăn nuôi từ năm 2019 và đưa vào nuôi hàng trăm con lợn nhưng trắng tay do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, anh Trần Văn Phương ở thôn Bắc Sơn, xã Quang Bình (Kiến Xương) chọn trâu, bò là đối tượng nuôi chính. Hiện trang trại nuôi 65 con trâu, bò thương phẩm với hình thức nuôi vỗ béo. Anh Phương cho biết: Qua tham khảo, tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, tôi thấy trâu, bò có sức đề kháng tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, tôi cũng đã tham khảo đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết của tỉnh, huyện, người chăn nuôi chúng tôi sẽ được hưởng lợi về kinh tế nếu tham gia sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Gia đình ông Trường, anh Phương là hai trong rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tìm hướng sinh kế mới và chọn trâu, bò thương phẩm là đối tượng nuôi chính để bù đắp lại thiệt hại về kinh tế do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra. Từ tình hình thực tế bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh, đòi hỏi phải tổ chức lại cơ cấu chăn nuôi cho phù hợp. Trong khi Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có nhiều lợi thế như địa hình bằng phẳng, đất đai, khí hậu, thời tiết thuận lợi, diện tích cây trồng hàng năm và sản lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn, nguồn lao động dồi dào đáp ứng đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Để khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh có Quyết định số 2256/QĐ-UBND về ban hành đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.

Trang trại chăn nuôi bò của gia đình ông Đỗ Văn Trường ở thôn Lộng Khê 5, xã An Khê (Quỳnh Phụ) thu lãi 130 triệu đồng/năm.

Tháo gỡ khó khăn

Mục tiêu của đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh phát triển tổng đàn trâu, bò đạt 70.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt 30.000 con trở lên, xây dựng được 2 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết; hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò trong tỉnh đạt 180.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt 80.000 con trở lên, xây dựng được từ 3 - 5 trang trại “lõi”, phát triển 25.000 - 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến hết tháng 8/2020, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước đạt 55.600 con (tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019). Với tiến độ phát triển quy mô đàn như hiện nay sẽ không đạt mục tiêu đề ra, nguyên nhân là do quá trình triển khai thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp “hạt nhân” về tỉnh để xây dựng trang trại “lõi”; khó khăn trong công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho chăn nuôi trâu, bò; các cơ sở, nông hộ chăn nuôi gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thời hạn cho thuê đất, không đủ điều kiện được tiếp cận vốn và thủ tục pháp lý vay vốn ưu đãi dài hạn...

Để đạt mục tiêu của đề án, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Trong đó tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện đề án ở các cấp nhằm đánh giá tiến độ thực hiện, nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Khẩn trương rà soát, bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu thực hiện đề án. Nghiên cứu, tham mưu, ban hành lại cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết. Đẩy mạnh tuyên truyền về đề án, nhất là cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình để người dân biết, từ đó tích cực tham gia mở rộng sản xuất chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở để phục vụ phát triển chăn nuôi trâu, bò...

Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại, nắm bắt thực trạng chăn nuôi trâu, bò, những tồn tại, khó khăn và nguyện vọng của một số cơ sở chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực, phụ trách điều hành hoạt động UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan, UBND các huyện trực tiếp giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; định kỳ tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với người chăn nuôi trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời yêu cầu mỗi huyện đăng ký một mô hình chăn nuôi trâu, bò có quy mô lớn, hình thức chăn nuôi hiện đại để làm cơ sở nhân rộng, phát triển; các chủ hộ chăn nuôi trên nền tảng thành quả đã đạt được, tiếp tục phát huy, thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.

Với hướng đi phù hợp cùng sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện đề án, tỉnh Thái Bình sẽ sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn như chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi, từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày