Thứ 7, 30/11/2024, 01:52[GMT+7]

Toàn tỉnh tập trung khắc phục ảnh hưởng của mưa lớn

Thứ 5, 22/10/2020 | 09:37:13
4,683 lượt xem
Đợt mưa lớn vừa qua đã làm 1.200ha cây màu vụ đông ưa ấm trên địa bàn huyện Thái Thụy bị ảnh hưởng khó có thể phục hồi và 750ha lúa mùa đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ. Để khắc phục sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong huyện đã và đang tập trung huy động máy móc, nhân lực thu hoạch lúa mùa, đồng thời chăm sóc, khôi phục sản xuất cây màu vụ đông.

Nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực thu hoạch lúa mùa.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Thụy Bình, đợt mưa lớn vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng tới diện tích cây màu vụ đông ưa ấm của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Trà Hồi. Trong đó, hơn 1 sào bí xanh mới trồng của nhà bà Hòa bị thiệt hại hoàn toàn, còn 1 sào ớt có nhiều cây bị đổ gục. Bà Hòa chia sẻ: Trong những ngày mưa lớn mặc dù nhà tôi đã tích cực ra đồng vét rãnh, tháo tát nước, hạn chế cây màu bị ngập úng gây chết. Nhưng do diện tích bí xanh mới trồng khi gặp mưa lớn gây dập nát nên không có khả năng phục hồi. Đối với những cây ớt bị đổ tôi đã buộc dựng lại, đồng thời tích cực chăm sóc để cây phục hồi lại.

Đợt mưa lớn vừa qua, xã Thụy Bình có 5ha lúa mùa bị đổ, 10ha cây màu vụ đông ưa ấm chủ yếu là bí xanh và dưa các loại mới trồng bị ngập úng, dập nát không còn khả năng phục hồi. 

Ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Vụ đông này, toàn xã phấn đấu trồng 130ha cây màu vụ đông nhưng khả năng sẽ khó hoàn thành do nhiều diện tích cây màu bị thiệt hại. HTX đang có chủ trương đưa một số giống cây vụ đông ưa lạnh như khoai tây vào trồng để bù lại diện tích cây ưa ấm đã bị thiệt hại. Nhưng vấn đề là giống khoai tây có giá thành cao sẽ khó để vận động nông dân tổ chức trồng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ về giống cho các địa phương có cây màu vụ đông bị thiệt hại. Từ đó, giúp người dân phục hồi sản xuất cây màu cũng như để xã hoàn thành mục tiêu gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch.

Nông dân xã Thụy Bình (Thái Thụy) chăm sóc cây màu sau mưa lớn.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa lớn trên địa bàn huyện từ ngày 14 - 15/10, tổng lượng mưa trên 200mm. Mưa lớn làm cho diện tích lúa mùa chưa thu hoạch và diện tích cây vụ đông mới trồng trong huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua thống kê, toàn huyện có 750ha lúa bị đổ, trong đó có 400ha thiệt hại từ 30 - 70% năng suất, 350ha thiệt hại trên 70% năng suất; 1.200/1.560ha cây màu vụ đông ưa ấm mới trồng bị ảnh hưởng khó có thể phục hồi, trong đó 500ha cây màu bị thiệt hại từ 30 - 70% và 700ha cây màu bị thiệt hại trên 70%. 

Để khắc phục ảnh hưởng của mưa lớn, UBND huyện Thái Thụy đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tiêu úng, hướng dẫn người dân ra đồng tổ chức buộc dựng lúa bị đổ để hạn chế tình trạng thóc nảy mầm, đồng thời huy động tối đa máy móc, nhân lực tiến hành thu hoạch các diện tích lúa mùa khi thời tiết thuận lợi. Đến ngày 20/10, toàn huyện thu hoạch được 11.000/13.650ha lúa mùa. Đối với diện tích cây màu vụ đông ưa ấm, đôn đốc hướng dẫn người dân thực hiện tiêu thoát nước trên mặt ruộng để tránh bị ngập úng gây chết cây, thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng sau mưa lớn và thu dọn cây màu đã chết, làm đất để gieo trồng cây màu ngắn ngày và cây màu vụ đông ưa lạnh.  

Ngoài ra, để ổn định và khôi phục sản xuất sau bão số 7 đồng thời giúp nông dân giảm bớt khó khăn, bù lại diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại, bảo đảm diện tích cây vụ đông theo kế hoạch đề ra, UBND huyện Thái Thụy đã trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ một số giống cây trồng vụ đông ưa lạnh như: khoai tây, giống rau cải xanh, cải bẹ, cải ngọt, xà lách.

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Hưng Hà xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây màu vụ đông cũng như tiến độ gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh.

Nông dân xã Dân Chủ (Hưng Hà) chăm sóc cây màu vụ đông sau mưa lớn.

Ông Phạm Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Toàn xã mới gieo trồng được gần 100ha cây màu vụ đông. Tuy ít bị ảnh hưởng do mưa to kéo dài, song ngay từ khi trời ngớt mưa, bà con nông dân đã nhanh chóng ra đồng kiểm tra cây trồng, khơi thông mương máng để thoát nước bảo vệ cây trồng. Để giúp nông dân khắc phục thiệt hại, địa phương đã chỉ đạo HTX SXKD DVNN chủ động tập trung khơi thông dòng chảy, đồng thời tháo kiệt nước trong đồng. Bà Trần Thị Ngọt, xã Minh Khai chia sẻ: Chúng tôi như ngồi trên đống lửa khi mưa to kéo dài khiến diện tích cây màu mới trồng của gia đình bị ngập. Do đó, ngay khi ngớt mưa, gia đình đã ra đồng tìm cách rút nước trên đồng để bảo vệ cây trồng.

Còn tại xã Điệp Nông, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Có lợi thế địa hình cao nên đợt mưa vừa qua Điệp Nông chỉ có khoảng 30% diện tích cây màu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm sản xuất cây màu vụ đông lâu năm, địa phương đã chỉ đạo HTX SXKD DVNN cũng như bà con nông dân chủ động mọi biện pháp để phòng, chống ngập úng cây màu, cùng với đó triển khai các biện pháp chăm sóc cây màu để cây phục hồi, phát triển. Sau khi hết mưa, bà con nông dân cũng tranh thủ thu hoạch nhanh gọn những diện tích rau màu có thể thu hoạch được. Với những diện tích bị ngập nhẹ thì tiếp tục bám đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tiêu úng và thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Do ảnh hưởng của mưa to kéo dài, trên địa bàn huyện đã có hơn 2.000ha cây màu vụ đông bị ảnh hưởng gồm: ngô 520ha, dưa bí 1.150ha, đậu tương 120ha, rau màu 300ha. Ngoài ra, khoảng 50ha lúa mùa chưa thu hoạch cũng bị ảnh hưởng của mưa, tập trung ở các xã Tây Đô, Chi Lăng. Trước tình hình đó, huyện đã thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do mưa úng gây ra. Huyện cũng ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn tranh thủ thời tiết tạnh ráo thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại; chủ động khơi thông dòng chảy, che đậy cây con trong bầu bảo vệ sản xuất vụ đông. Chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi chủ động phương án bơm tiêu nước bảo vệ cây trồng. Trước diễn biến thời tiết còn phức tạp, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương huy động nhân dân bằng mọi biện pháp khơi thông dòng chảy, xẻ đường thoát nước mặt ruộng và xung quanh ruộng rau màu để tiêu nước, không để nước ngập gốc cây và đọng trên mặt luống. Đối với diện tích rau màu mới trồng, cần kiểm tra, thu gom các cây bị thối để tránh lây lan, đồng thời chăm sóc kịp thời. Tuyên truyền để nông dân tận dụng đất đai, quay vòng tăng vụ gieo trên diện tích rau sớm đã thu hoạch. Ngoài việc đôn đốc các địa phương tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục ngập úng, huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước mặt ruộng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu. Hiện nay, cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp của huyện cũng đang bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc cây màu vụ đông, khắc phục hậu quả sau mưa úng nhằm bảo vệ sản xuất và tiến hành gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch đề ra.

Nông dân xã Nam Hồng (Tiền Hải) làm đất gieo trồng lại diện tích cây vụ đông bị thiệt hại do mưa úng.

Vụ đông năm nay, xã Nam Hồng (Tiền Hải) phấn đấu gieo trồng 275ha gồm ngô 32ha, bí 54ha, khoai tây 18ha, rau màu các loại 145ha... Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa úng đã làm thiệt hại một số diện tích cây vụ đông đã trồng, xã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân các biện pháp khắc phục, tiếp tục gieo trồng cây vụ đông bảo đảm thời vụ.

Tại cánh đồng thôn Phương Viên, ông Phạm Văn Bảo cũng như bà con nông dân trong thôn đã chủ động bám sát đồng ruộng, tranh thủ thời tiết tạnh ráo ra đồng khắc phục diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng do mưa úng. Ông Bảo cho biết: Chỉ trong 3 tháng, giá trị từ sản xuất vụ đông cho thu nhập cao hơn vụ lúa so với cùng diện tích. Ngay từ đầu vụ, tôi đã thực hiện theo chỉ đạo của HTX chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó đã mở rộng diện tích gieo trồng 6 sào gồm rau màu, bí, ngô. Tuy nhiên, vụ đông năm nay, thời tiết bất thường, toàn bộ rau màu và diện tích ngô mới trồng được tỉnh, huyện hỗ trợ giống cũng bị mưa ngập phá hỏng. 

Còn chị Phạm Thị Thoan, thôn Tam Bảo chia sẻ: Do mưa nhiều, phần lớn diện tích 2 sào rau cải cũng bị dập nát, tính cả tiền giống và công trồng, chăm sóc, mỗi sào rau của gia đình cũng thiệt hại khoảng 500.000 đồng. Xót công, xót của nhưng tôi không nản lòng mà tiếp tục mua hạt giống rau ngắn ngày về gieo trồng, không để đất trống.

Diện tích cây vụ đông mới trồng của xã Nam Hồng (Tiền Hải) bị thiệt hại do mưa úng.

Ông Phạm Văn Bộ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Hồng cho biết: Sản xuất vụ đông năm nay gặp rất nhiều khó khăn, do mưa úng những ngày qua làm 100ha cây màu vụ đông của địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, HTX đã tham mưu UBND xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, các đoàn thể tập trung về các thôn đôn đốc, chỉ đạo sản xuất vụ đông. HTX huy động tối đa các phương tiện tiêu rút nước trên toàn bộ diện tích cây vụ đông và ruộng lúa. Làm vệ sinh đồng ruộng, phân loại thiệt hại đối với từng diện tích sản xuất cây vụ đông để có biện pháp khắc phục. Đồng thời, khuyến cáo nông dân những diện tích rau ăn lá thì kiểm tra để tiếp tục chăm sóc hoặc nhanh chóng thu hoạch nếu đã đến kỳ, tích cực vệ sinh đồng ruộng đối với diện tích bị hỏng. Khuyến khích nông dân tiếp tục gieo trồng, mở rộng diện tích cây rau màu, cây ưa lạnh thay thế diện tích vụ đông bị thiệt hại, bảo đảm theo đúng kế hoạch. HTX tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây vụ đông nhằm giúp bà con nông dân nắm vững các yêu cầu về quy trình kỹ thuật sản xuất và cách chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh; sử dụng phân bón sau khi mưa úng cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây vụ đông. Ngoài ra, HTX thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường công tác dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, chuột hại trên cây trồng, chỉ đạo nông dân kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả. Đặc biệt là nhóm sâu ăn lá, đục quả để có biện pháp xử lý kịp thời bằng thuốc đặc hiệu theo phương châm “4 đúng”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để sớm khôi phục sản xuất, người dân Nam Hồng mong muốn tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời những thiệt hại do ngập úng, giúp nông dân duy trì diện tích cây màu vụ đông, qua đó tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày