Thứ 7, 30/11/2024, 06:52[GMT+7]

“Say” vụ đông

Thứ 2, 16/11/2020 | 09:57:14
1,498 lượt xem
Không đơn thuần là tăng thu nhập, đối với nhiều hội viên, phụ nữ ở Hưng Hà trồng cây vụ đông còn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhiều năm qua, sản xuất vụ đông được chị em tập trung phát triển không chỉ trên diện tích chuyên canh rau màu mà còn tận dụng quỹ đất ruộng sau khi thu hoạch lúa mùa để mở rộng diện tích trên đất hai vụ lúa.

Phụ nữ xã Dân Chủ (Hưng Hà) chăm sóc ngô ngọt.

Năm 2019, trừ các khoản chi tiêu trong gia đình, chị Bùi Thị Luyến, thôn Khả Tân, xã Duyên Hải tiết kiệm được gần 200 triệu đồng từ trồng rau màu, trong đó chủ yếu là thu nhập từ cây vụ đông. Năm nay, với 9 sào chuyên trồng màu, chị Luyến mượn thêm 1,5 mẫu ruộng của các gia đình để trồng các loại rau màu như su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua, ớt, bí đao... Chị Luyến cho biết: Trước chồng tôi làm phụ hồ, mình tôi làm ruộng, chủ yếu là cấy lúa, không để ra được đồng nào cả. Từ khi cả hai vợ chồng tập trung trồng rau màu, thu nhập cao hơn. Thế nên tôi với nhiều chị em say lắm, thấy nhà nào mà không trồng cây vụ đông là xin ngay lại ruộng để trồng.

Xác định là vụ cho thu nhập chính, vợ chồng bà Nguyễn Thị Vóc, thôn Đan Hội, xã Dân Chủ cũng trồng 6 mẫu rau màu vụ đông các loại. Bà Vóc cho biết: Nhà tôi có 1 mẫu ruộng, sau khi dồn điền đổi thửa thì được cải tạo để chuyên trồng màu. Đến vụ đông, tôi mượn thêm ruộng để trồng các loại cây như hành, tỏi, bí đỏ, bí xanh, ngô... Vụ đông năm ngoái tôi cũng thu về khoảng 140 triệu đồng. Năm nay thời tiết bất thuận, mưa bão nên cây màu bị ảnh hưởng. Gia đình tôi nhanh chóng thoát nước ở ruộng, gieo trồng lại nếu cây bị chết, thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trên những diện tích rau màu có thể phục hồi.

Trên cánh đồng thôn Hà Thắng, xã Dân Chủ, bà Nguyễn Thị Tần đang chăm sóc 7 sào bí củ lạc của gia đình. Bà Tần cho biết: Nhà tôi chọn bí củ lạc vì là cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, như năm ngoái HTX DVNN xã cũng liên kết với một công ty  cam kết thu mua sản phẩm trước khi nông dân gieo trồng vụ đông với giá ổn định. Bình quân, mỗi sào bí củ lạc có năng suất khoảng 4,5 - 5 tạ, thu về khoảng 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa.

Trồng cây vụ đông không chỉ làm giàu cho gia đình hội viên mà hội phụ nữ cơ sở còn tạo được nguồn quỹ hội. Chị Nguyễn Thị Huề, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Duyên Hải cho biết: Trồng vụ đông đã trở thành phong trào của chị em, nhà nào ít thì vài sào, nhiều thì 3 - 4 mẫu. Từ nhiều năm nay, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã xin lại diện tích ruộng của bà con không sản xuất vụ đông để trồng cây gây quỹ. Số tiền thu được từ bán hoa màu, các chị em trích lại một phần để tổ chức các hoạt động của hội như thăm hỏi, tặng quà các hội viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số quỹ đến nay là 30 triệu đồng. Vụ đông năm nay, 13 chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã trồng 3 mẫu bí củ lạc, gần 2,5 mẫu khoai tây. Ở các chi hội, chị em cũng hăng hái trồng cây gây quỹ.

Chị Trần Thị Nhài, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Chủ cho biết: Để trồng cây vụ đông đạt hiệu quả cao, chúng tôi phối hợp với các đoàn thể, HTX tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hội viên trồng cây màu đúng thời điểm, chăm sóc cây như thế nào để có năng suất, chất lượng cao, bán được giá. Đặc biệt, có sự chỉ đạo, cơ chế hỗ trợ của các cấp, các ngành nên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung rất tích cực sản xuất vụ đông.

Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà cho biết: Không chỉ ở Dân Chủ, Duyên Hải, phụ nữ ở các địa phương khác như Điệp Nông, Văn Cẩm, Hùng Dũng... cũng hăng hái trồng cây vụ đông. Cây vụ đông không những nâng cao đời sống cho gia đình hội viên mà còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày