Thứ 7, 30/11/2024, 08:34[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết

Thứ 3, 01/12/2020 | 08:44:22
3,772 lượt xem
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Đỗ Văn Thành, thôn Lộng Khê, xã An Khê được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi trâu, bò giai đoạn 2019 - 2020.

Chăn nuôi bò ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường tại thôn Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ).

Anh Thành cho biết: Được hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan chuyên môn tỉnh và huyện, đến nay đàn bò trong trang trại nhà tôi đã phát triển lên 40 con gồm 20 bò sinh sản và 20 bò thịt, bê con. Dãy chuồng rộng gần 150m2 được trải lớp đệm lót sinh học giúp hạn chế mùi hôi và ô nhiễm môi trường, giữ chuồng trại khô ráo, tiết kiệm nhân lực, nâng cao sức đề kháng, hạn chế ký sinh trùng, đẩy nhanh quá trình phát triển và sinh sản của đàn bò. Năm 2019, tiền bán bê con và phân bón từ đệm lót sinh học từ chăn nuôi bò đã mang về cho gia đình tôi gần 400 triệu đồng.

Trang trại nhà anh Thành là một trong những minh chứng cho sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Phụ trong việc chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 24/2/2020 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2020 - 2025. Để triển khai các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Huyện ủy Quỳnh Phụ đã tổ chức hội nghị triển khai các nghị quyết, kế hoạch, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án đến cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện.

Với sự chỉ đạo tích cực từ huyện, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong huyện, chăn nuôi trâu, bò của huyện Quỳnh Phụ có bước tăng trưởng khá về số lượng và chất lượng, mở rộng theo hướng công nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn thay thế dần phương thức chăn nuôi truyền thống phân tán, nhỏ lẻ trước đây. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt 7.544 con, trong đó đàn bò 6.663 con, chăn nuôi tập trung tại các xã duyên giang có diện tích mặt bằng lớn, thuận lợi cho phát triển đồng cỏ. Trên địa bàn huyện hiện có 22 trang trại chăn nuôi bò có quy mô từ 20 - 50 con bò sinh sản, 50 - 100 con bò thịt, được đầu tư về chuồng trại, con giống và nguồn nguyên liệu thức ăn, đệm lót sinh học. Huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức 3 lớp tập huấn cung cấp kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi bò, phương pháp quản lý nâng cao chất lượng đàn bò cho 150 cán bộ chăn nuôi thú y và chủ các trang trại. 


Từ mô hình ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý môi trường tại 2 trang trại nuôi bò tại hai xã An Tràng và An Khê, đến nay huyện Quỳnh Phụ tiếp tục phát triển thêm 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản có sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường tại các hộ chăn nuôi thuộc ba xã An Khê, An Tràng và Đồng Tiến. Cùng với đó, địa phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình hướng dẫn chủ trang trại xã An Tràng chăm sóc đàn bò cái nền được Thành ủy Hà Nội tặng. Đến nay, đàn bò phát triển khỏe mạnh.

Ông Đinh Trọng Xá, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để các cấp ủy đảng, chính quyền, người chăn nuôi cùng vào cuộc thực hiện có hiệu quả. Vận động nhân dân, các doanh nghiệp chăn nuôi thực hiện các giải pháp phát triển đàn trâu, bò trong các trang trại, các nông hộ, chỉ đạo cấp cơ sở tích cực vào cuộc trong tổ chức thực hiện phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đất dành cho chăn nuôi trâu, bò, đất trồng nguyên liệu thức ăn tập trung tại các xã duyên giang và một số xã nội đồng có lợi thế phát triển hoạt động chăn nuôi trâu, bò. Lựa chọn, đề xuất các khu đất phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại “lõi”, tập trung tuyên truyền, vận động người dân có ruộng cho thuê ruộng để trồng cỏ, trồng cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ huyện đến cơ sở, nâng cao trình độ kỹ thuật về chăn nuôi, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi đáp ứng với xu thế phát triển. Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi trâu, bò, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình để người dân biết, quan tâm đầu tư nuôi mới, mở rộng sản xuất chăn nuôi bò thương phẩm theo chuỗi liên kết. Hỗ trợ các địa phương thành lập HTX, tổ hợp tác về chăn nuôi trâu, bò hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để ngành chăn nuôi trâu, bò phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Cùng với đó, huyện hỗ trợ chủ trang trại, nhà đầu tư chăn nuôi trâu, bò tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển quy mô chuồng trại, thuê đất trồng cây thức ăn, đầu tư thiết bị, con giống...

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày