Thứ 7, 18/01/2025, 17:07[GMT+7]

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi gà thương phẩm

Thứ 2, 14/12/2020 | 09:10:03
1,964 lượt xem
Tốt nghiệp chuyên ngành lái tàu biển nhưng không theo nghề đã được đào tạo, anh Trịnh Công Vinh, thôn An Lạc 1, xã An Vinh (Quỳnh Phụ) về quê phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Trịnh Công Vinh thường xuyên kiểm tra đàn gà để phòng dịch bệnh.

Vinh cho biết: Năm 2011, anh trai tôi sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhận thuê hơn 2 mẫu đất canh tác lúa nước không hiệu quả của địa phương để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Song vì điều kiện địa lý, giao thông, vốn đầu tư nên mô hình đã không phát triển đúng theo mong muốn ban đầu. Đến đầu năm 2016, để tiếp tục hoài bão của anh trai, tôi thuê thêm hơn 2 mẫu đất liền kề, xây dựng đường giao thông để mở rộng thêm diện tích ao nuôi và tự xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm.

Vay mượn cả tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại, có thời điểm chăn nuôi thất thu bởi ảnh hưởng dịch bệnh; thế nhưng, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Vinh dần vượt qua những thử thách ban đầu. Sau hơn 4 năm, giờ đây anh đã sở hữu trang trại với hơn 1.000m2 chuồng nuôi gà, hơn 6.000m2 ao đầm, khoảng 4.000m2 cây ăn quả.  Hiện trang trại nuôi gà thả vườn thương phẩm của gia đình anh là một trong những mô hình chuỗi liên kết VAC lớn của huyện Quỳnh Phụ. Trong chăn nuôi, anh luôn tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, phòng dịch và tự học cách tiêm phòng cho gà. Vinh cũng mở rộng diện tích vườn thả gà. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, đàn gà phát triển tốt, anh phối hợp công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi mua các loại thức ăn được phối trộn với men vi sinh, thường xuyên rắc các chất vi sinh lên lớp đệm lót, hạn chế mùi hôi. Các dãy chuồng gà như vậy sẽ được bảo đảm vệ sinh, gà di chuyển thoải mái trong chuồng. Ngoài ra, khi thay thế đệm lót sinh học mới, lượng cũ được các công ty, cơ sở phân bón thu mua tái chế thành phân hữu cơ với giá 10.000 - 15.000 đồng/bao, từ đó tăng thêm thu nhập. Anh cũng sử dụng phân gà bón cho các loại cây ăn quả. Cây ăn quả trồng trong trang trại không chỉ cho thu nhập mà còn tạo bóng mát, điều hòa không khí. Mỗi năm trang trại của anh đưa ra thị trường hơn 35.000 con gà ta thương phẩm (khoảng 75 tấn), hàng chục tấn cá các loại cùng nhiều mặt hàng nông sản khác, doanh thu ước tính khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động chính và 7 lao động thời vụ tại địa phương. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí Vinh thu lãi hơn 800 triệu đồng, một phần anh lo trả nợ, phần đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Năm 2020, trang trại của Vinh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Dù vậy, anh làm tốt mọi khâu từ giữ môi trường nuôi tốt đến chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất và thu nhập của trang trại.

Ông Trịnh Công Khả, bố Trịnh Công Vinh cho biết: Chăn nuôi vất vả, nhiều rủi ro, gia đình cũng hướng Vinh theo nghề khác nhưng Vinh quyết tâm về quê làm giàu. Vinh và gia đình cũng nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt của các cấp chính quyền, đoàn thể. Đặc biệt, Huyện đoàn Quỳnh Phụ thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện để Vinh được vay vốn ưu đãi của Trung ương Đoàn. 

Anh Đỗ Văn Vương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã An Vinh cho biết: Thành công ban đầu của Trịnh Công Vinh tiếp thêm ý chí, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế “ly nông bất ly hương” của thanh niên xã An Vinh nói riêng, huyện Quỳnh Phụ nói chung. Ngoài thời gian sản xuất, Trịnh Công Vinh còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương, của huyện.

Với những thành tích tiêu biểu, Trịnh Công Vinh là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Thái Bình, 1 trong 56 thanh niên xuất sắc trên toàn quốc được được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng.

Phương Chi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày