Thứ 5, 09/05/2024, 19:04[GMT+7]

Lúa thơm RVT trên cánh đồng mẫu Thái Sơn

Thứ 6, 26/10/2012 | 14:51:46
2,072 lượt xem
Cùng với xã Thụy An, vụ mùa năm nay, xã Thái Sơn (huyện Thái Thụy) đã quy hoạch vùng sản xuất xây dựng cánh đồng mẫu cấy 100 ha giống lúa thơm RVT. Sau hơn 3 tháng vất vả, nhọc nhằn, giờ đây khi nhìn lúa trĩu bông, nặng hạt nhiều nông dân kỳ vọng trong tương lai mô hình cánh đồng mẫu sẽ giúp họ vươn lên làm giàu ngay trên mảnh ruộng quê hương.

Vùng cấy lúa giống RVT tập trung ở thôn Thanh Miếu (xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy)

Chúng tôi về địa phương vào thời điểm lúa mùa đã đến độ thu hoạch. Cánh đồng mẫu của thôn Hoài Hữu trải thảm một màu vàng óng, nghe tiếng máy gặt rào rào, liềm cắt lúa sột soạt, tiếng nói cười rộn rã tôi cảm nhận rõ niềm vui được mùa của những người nông dân nơi đây. Dừng tay bên ruộng lúa đang cắt dở, ông Ðinh Bá Khoái phấn khởi khoe: “ Khi HTX xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký nhận giống cấy 3 sào. Ban đầu cũng thấp thỏm lo âu, sợ gặp rủi ro vì chưa cấy giống lúa này bao giờ. Nhưng sau khi đưa mạ xuống ruộng, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà HTX đã hướng dẫn, lúa lên nhanh, tốt bời bời, trỗ bông to, hạt mẩy, năng suất ước đạt khoảng 2 tạ/sào. Ðây là giống lúa chất lượng, nếu so với Bắc thơm cấy ở vụ mùa năng suất đạt vậy là rất khá, chưa kể chúng tôi còn được hỗ trợ toàn bộ giống, có công ty đứng ra nhận thu mua sản phẩm nên bà con ai cũng phấn khởi”.

 

Chung niềm vui với ông Khoái, anh Bùi Công Triều chia sẻ:” 2,8 sào lúa RVT nhà tôi gặt 3 hôm trước để giải phóng đất trồng cây vụ đông, thóc cân tươi được 2,5 tạ/sào, gạo nấu cơm ăn cũng rất ngon. Nếu doanh nghiệp cam kết đứng ra thu mua sản phẩm lâu dài cho nông dân, vụ tới tôi đăng ký cấy cùng 1 giống trên toàn bộ diện tích và chắc chắn năm sau trên cánh đồng Thái Sơn còn có thêm nhiều mô hình cánh đồng mẫu nữa”.

 

Rời cánh đồng thôn Hoài Hữu, chúng tôi ra vùng cấy lúa giống RVT tập trung của thôn Thanh Miếu. Trưởng thôn Nguyễn Trọng Vương cũng có mặt trên đồng trực tiếp hướng dẫn bà con cẩn thận cắt bỏ từng bông lúa lẫn. Anh cho biết: “Ðây cũng là lần đầu tiên thôn Thanh Miếu đăng ký cấy lúa giống RVT cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương nên thôn và HTX phải chú trọng thực hiện đúng quy trình gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ bảo đảm cung ứng nguồn giống chất lượng tốt nhất. Khi tham gia mô hình, nông dân được cung ứng giống gốc có chất lượng nên cây lúa phát triển rất tốt, thu hoạch về doanh nghiệp nhận bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá cao hơn 25% lúa chất lượng bán trên thị trường nên mỗi sào ruộng cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Vụ tới, nếu Công ty có nhu cầu mở rộng diện tích, nhân dân trong thôn đều sẵn sàng”.

 

Anh Bùi Công Thoán, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Sơn cho biết: cuối năm 2011, Thái Sơn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chí nông thôn mới, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1,76 thửa. Ðây là điều kiện thuận lợi để địa phương bắt tay vào xây dựng mô hình cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, ban đầu khi triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn do tâm lý người dân còn e ngại chưa quen với giống mới. Thậm chí, một số hộ còn cho rằng nếu cấy cùng một giống lúa trên diện tích lớn không may gặp thiên tai, dịch bệnh sẽ trắng tay. Ban quản trị HTX phối hợp với các thôn tích cực tuyên truyền vận động, chỉ rõ ưu điểm của lúa thơm RVT, cơ chế chính sách hỗ trợ, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, trình diễn mô hình để bà con mắt thấy tai nghe. Ngoài ra, HTX  in ấn quy trình kỹ thuật hướng dẫn cách ngâm mộng, gieo cấy phát đến tận tay xã viên. Kết quả, hàng trăm nông dân đã đăng ký tham gia, diện tích gieo cấy đạt 100 ha, trong đó 80 ha thuộc mô hình cánh đồng mẫu, 20 ha vùng cấy lúa giống cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Hộ nào ít diện tích cũng cấy 3 sào, hộ nhiều cấy 1,3 mẫu lúa giống, thậm chí có gia đình cấy toàn bộ diện tích bằng giống RVT.

 

 Dù mới qua một vụ sản xuất nhưng anh Thoán cũng khẳng định: RVT rất thích hợp với điều kiện đồng đất của Thái Sơn, sinh trưởng và phát triển tốt, lúa cứng cây, đẻ nhánh khoẻ, kháng được bệnh bạc lá, khô vằn, rầy ở vụ mùa nên không tốn nhiều công, chi phí phòng trừ sâu bệnh, bông to, hạt đều  và mẩy. Ước tính, năng suất lúa bình quân của lúa RVT toàn xã vụ này đạt từ 62 đến 63 tạ/ha. Ngoài ra, khi tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu, nông dân được nhà nước cung ứng nguồn giống có chất lượng, doanh nghiệp nhận bao tiêu đầu ra nên hoàn toàn yên tâm đầu tư cho sản xuất. Quá trình sản xuất được chỉ đạo thống nhất, khoa học và đúng quy trình từ lịch thời vụ đến kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch nên đã góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

 

Trên đường đi, anh Thoán còn khoe với chúng tôi: vụ mùa Thái Sơn gieo cấy 402,15 ha. Sau dồn điền đổi thửa ruộng to, bờ lớn canh tác thuận tiện nên vụ này bà con mở rộng diện tích gieo sạ đạt 240 ha tiết kiệm đáng kể lượng giống, công lao động. Ngoài ra, HTX còn mạnh dạn khảo nghiệm cấy bằng máy 1,5ha đạt kết quả tốt. Không chỉ riêng giống lúa RVT cho năng suất cao mà các giống lúa khác cũng được mùa lớn, dự kiến năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 63,88 tạ/ha. Từ hiệu quả sản xuất trên cánh đồng mẫu đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, tự túc sang sản xuất hàng hoá, quy mô lớn. Vì vậy, cả cán bộ và nhân dân Thái Sơn đều mong muốn tiếp tục có sự đầu tư của tỉnh, huyện, các ngành chuyên môn, hỗ trợ của doanh nghiệp để nhân rộng thêm nhiều mô hình sản xuất hàng hoá trong những năm tiếp theo góp phần tăng thu nhập, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đặt ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày