Thứ 3, 20/05/2025, 01:49[GMT+7]

Phong trào trồng dưa, bí ở thôn Tăng

Thứ 6, 26/10/2012 | 14:58:35
1,414 lượt xem
Trên cánh đồng thôn Tăng (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) những thửa ruộng dưa, bí, lúa đan xen nhiều màu sắc khiến cho ai đến cũng cảm nhận được sự lao động cần mẫn vất vả của người dân nơi đây. Tuy nhiên đổi lại vụ nào họ cũng được mùa năng suất đạt cao.

Nông dân thôn Tăng chăm sóc cây bí

Trong khi đa số các địa phương ở huyện Ðông Hưng hiện nay cây bí mới chỉ đặt bầu được ít ngày thì ở thôn Tăng, xã Phú Châu cây dưa, bí đã phát triển xanh tốt đang trong thời kỳ ra hoa tạo quả. Khắp cánh đồng của thôn chỗ nào cũng râm ran tiếng cười nói của các hộ trồng cây vụ đông. Là địa phương có truyền thống trồng vụ đông từ hàng chục năm nay nên các hộ dân đã không chỉ có kinh nghiệm trồng được mùa mà còn được giá cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Cán bộ HTX DVNN xã cho biết: người dân trong xã nói chung, thôn Tăng nói riêng từ lâu nay đều có phong trào trồng cây vụ đông, nhất là cây dưa, bí và khoai tây. Ngay từ khi cấy lúa mùa họ đã cấy những giống ngắn ngày như Hương thơm, Bắc thơm, QR1 và cấy trước lịch của xã 10 ngày để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông sớm cho giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần cây vụ đông đại trà. Ngay từ đầu tháng 9 các hộ trong thôn đã trồng bí, dưa khi lúa mới chín được 80%. Họ tận dụng tất cả các quỹ đất như ven bờ ruộng đồng thời rẽ hàng cắt lúa để trồng. Cứ như vậy tới khi thân cây ngoi ra tới gần 1m thì những diện tích lúa còn lại cũng đến thời kỳ thu hoạch.

 

Ông Vũ Văn Hòa - Phó thôn Tăng cho biết thêm: từ thời còn mô hình xóm người dân nơi đây đã phát triển mạnh phong trào trồng cây dưa, bí. Mặc dù những năm qua huyện có cơ chế hỗ trợ giống cho các xã trồng bí nhưng họ đã không chờ tới khi phát giống mà chủ động mua giống trước đó. Bởi họ tính được thời điểm bán bí sớm sẽ đắt giá nên phải trồng trước khi nơi khác chưa trồng. Với cách làm đó nhiều năm nay đã có tới 50% số hộ trong thôn tham gia trồng bí, dưa với khoảng trên 20 mẫu. Các hộ thường trồng từ 4 - 5 sào, nếu bán được giá như mọi năm trung bình từ 7.000-8.000 đồng/kg cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Nhiều hộ còn linh hoạt thay vào không cấy lúa xuân đã trồng dưa lê, dưa hấu, các cây rau màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.

 

Trên cánh đồng thôn Tăng những thửa ruộng dưa, bí, lúa đan xen nhiều màu sắc khiến cho ai đến cũng cảm nhận được sự lao động cần mẫn vất vả của người dân nơi đây. Tuy nhiên đổi lại vụ nào họ cũng được mùa năng suất đạt cao. So với các nơi khác, người dân nơi đây còn có niềm vui nhân đôi bởi vừa bán được giá thành cao lại vừa được các thương lái tới mua tận ruộng, không mất công vận chuyển.

 

Chị Ðặng Thị Nhuần, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Ðào vừa chăm sóc bí vừa cho chúng tôi biết: Ở khu này nhà nào cũng trồng 4 - 5 sào bí. Từ khi lúa còn xanh các chị đã làm bầu ở nhà, sau khoảng từ 10 - 12 ngày là cắt lúa theo rạch, cứ 1 rạch cắt 3 hàng lúa, coi như 5 sào lúa thì gặt 1 sào lúa non để trồng bí. Công tác chăm sóc cho bí cũng rất đơn giản, người trồng chỉ phải bón 2 lần là bón lót NPK và khoảng 5 kg đạm urê/sào, phun thuốc trừ sâu từ 1 -2 lần. Chỉ sau gần tháng bí bắt đầu ra hoa và chỉ sau 20 ngày nữa sẽ có bí non bán. Hiện nay các chị tập trung vào việc lót rạ cho bí để chuẩn bị cho mùa ra quả. Nếu bí ra quả đều, đẹp như năm ngoái các chị bán với giá 8.000-9.000 đồng/kg cũng thu lãi được từ  4 -5 triệu đồng/sào thì năm nay dự tính cũng sẽ đạt năng suất và hiệu quả không kém.

 

Ngoài ra, các hộ ở thôn Tăng còn tích cực trồng bí khi có cơ chế hỗ trợ giống của huyện. Ða số các hộ đều trồng thêm từ 1-2 sào để bán bí muộn. Ðến nay các diện tích đó vừa mới được đặt bầu ít ngày, dự tính hơn tháng nữa cũng sẽ có bí non để bán. Ðặc biệt, thuận lợi nhất của các hộ dân trong thôn là không lo về đầu ra của sản phẩm, nếu không có người tới mua ở ngay tại ruộng thì các hộ sẽ bán cho làng Nguyễn, xã Nguyên Xá. Do đó chỉ cần bí được mùa là họ đã có lợi nhuận.

 

Không chỉ trồng bí, các hộ ở thôn Tăng còn tích cực trồng dưa hấu. Chị Vũ Thị Thắng cho biết: ngoài trồng 8 sào bí sớm bí muộn, chị còn trồng thêm 2 sào dưa hấu. Do thuận tiện ruộng gần quốc lộ nên khi dưa chín đến đâu chị bán hết ngay đến đó. Trung bình một ngày chị bán hết 1 xe lôi với giá trung bình 8.000đồng/kg. Từ khi trồng tới khi thu hoạch dưa thường mất 65 ngày sẽ cho cân nặng trung bình trên 2kg/quả. Hiện nay diện tích dưa nhà chị đang ra hoa, dự tính đầu tháng tới chị sẽ có dưa để bán. Tuy cây dưa khó trồng nhưng lại giữ được giá hơn bí vì thế năm nào chị cũng trồng 2-3 sào dưa. Ngay cả trong vụ xuân chị cũng dành 2 sào không cấy để trồng dưa cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào.

 

Tuy nhiên các hộ dân trong thôn cũng mong huyện nên có cơ chế hỗ trợ giống sớm hơn, nhất là đối với cây bí xanh để họ bớt đi phần chi phí về giống và cũng là động lực để các hộ gieo trồng với diện tích lớn hơn.   

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày