Thứ 7, 30/11/2024, 12:45[GMT+7]

Xuân về trên đất bạc màu

Thứ 6, 01/01/2021 | 14:14:11
1,459 lượt xem
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến những đổi thay tích cực trên những cánh đồng ở huyện Hưng Hà nhờ cuộc “cách mạng” chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả.

Bấy lâu nay, xã Tiến Đức chỉ được biết đến là vùng du lịch tâm linh với di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Song ở đây còn có những trang trại, gia trại phát triển kinh tế của người dân mang lại hiệu quả cao khi nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến và mạnh dạn chuyển đổi, đưa vào trồng các giống cây có giá trị. 

Vốn là con nhà nông, sinh ra và lớn lên tại vùng đất bãi ven sông Hồng nên ước mơ làm giàu từ vùng đất bãi luôn là niềm khao khát cháy bỏng của chị Trần Thị Nhàn. Năm 2019, chị và gia đình quyết định làm nhà lưới trồng dưa. Sau hơn 1 năm thử nghiệm đến nay chị đã bước đầu thành công. Đứng trước 2 nhà trồng dưa lưới với diện tích 1,2 mẫu ven sông Hồng, chị Nhàn chia sẻ: Năm 2019, gia đình đầu tư trên 700 triệu đồng làm 7 sào nhà lưới trồng dưa. Vụ đầu tiên rồi vụ thứ hai, thứ ba có lãi, sản phẩm ra đến đâu được các siêu thị lớn ở Hà Nội, Thái Bình đến thu mua hết. Năm đầu tiên, mỗi sào dưa cho thu lãi 30 triệu đồng. Trồng dưa lưới hiệu quả, năm 2020, chị Nhàn lại tiếp tục thuê ruộng để mở rộng sản xuất với tin tưởng mô hình này sẽ cho chị thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình chuyển đổi của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, ai cũng trầm trồ khi ngắm nhìn vườn ổi trĩu quả. Anh Hải chia sẻ: Đây trước là một vùng đất cấy lúa thấp trũng của gia đình, quanh năm chuột và sâu bệnh cắn phá, canh tác không hiệu quả. Được chính quyền thôn Nhuệ tuyên truyền, triển khai mô hình chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, gia đình đã xin tham gia chuyển đổi. Lúc đầu chỉ sử dụng diện tích ruộng của gia đình, đầu tư kinh phí để bồi đắp thêm đất trồng các loại cây ăn quả. Thấy có hiệu quả kinh tế, gia đình tiếp tục mở rộng canh tác để nâng cao thu nhập. Đến nay khu chuyển đổi của gia đình có diện tích 2.800m2 với trên 200 gốc bưởi diễn, bưởi đường, 200 gốc ổi lê và trên 100 gốc mít. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng.

Còn gia đình anh Đặng Văn Đức, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa lại tiến hành chuyển đổi 1,5 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả sang ươm trồng giống cây ăn quả để xuất bán đi các tỉnh trong cả nước. Với cây giống chủ lực là cây hồng xiêm xoài, mỗi năm gia đình anh Đức đã gieo trồng 5 tạ hạt giống và xuất bán ra thị trường khoảng 22 vạn cây giống, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Đức thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Đức còn giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho 13 lao động địa phương.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất bạc màu giúp nông dân huyện Hưng Hà nâng cao thu nhập.

Tại xã Hồng An, chúng tôi tiếp tục “lạc lối” giữa hàng chục nghìn quả bưởi chín vàng của gia đình ông Trần Hữu Khang, thôn Nam Tiến. Được biết, năm 2010, gia đình ông Khang chuyển đổi gần 1 mẫu đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình ông trồng khoảng 200 gốc bưởi Quế Dương, gần 100 gốc táo. Mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi 100 - 200 triệu đồng. Cũng như trang trại của gia đình ông Khang, trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Thưởng với những cây ổi, cam, chuối, bưởi... đã mang lại cho ông số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Thưởng cho biết: Vượt qua những khó khăn ban đầu, gần 10 năm xây dựng, đến nay trang trại đã có uy tín trên thị trường, sản phẩm cung cấp chủ yếu cho hệ thống siêu thị Vinmart và xuất đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định... Doanh thu hàng năm trung bình từ 2 - 3 tỷ đồng.

Trước những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích bị bỏ hoang hóa tại các địa phương, nhiều nông dân ở huyện Hưng Hà đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Nhờ đó, đã mang lại năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn cho người nông dân, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong huyện giảm xuống dưới 2% trong năm 2020. Để bảo đảm việc chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khác mang lại hiệu quả và đúng quy hoạch, phù hợp với thực tế, huyện Hưng Hà chỉ đạo các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để chuyển đổi không đúng mục đích. Những kết quả đạt được của các mô hình chuyển đổi sẽ là động lực cổ vũ, khuyến khích nông dân trong huyện mạnh dạn đổi mới tư duy, tiếp tục đầu tư sản xuất đạt hiệu quả cao để người nông dân đón mỗi mùa xuân về trong niềm vui no ấm.


Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà

Huyện Hưng Hà luôn chú trọng việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đất bạc màu bỏ hoang. Địa phương đã ban hành nghị quyết, hỗ trợ người dân thực hiện hàng trăm dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả thiết thực, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước hình thành các vùng sản xuất gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa (Hưng Hà)
Để phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tiếp tục phát triển, thời gian tới xã Chí Hòa tiếp tục tích cực rà soát diện tích cấy lúa kém hiệu quả, liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình phát triển kinh tế.


Ông Trần Hữu Khang, xã Hồng An (Hưng Hà)
Tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất kém hiệu quả là hướng đi đầy triển vọng.  Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, do đó, hạ tầng nông nghiệp cũng cần được địa phương đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi cũng mong địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân chúng tôi yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Mai Thư 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày