Chủ nhật, 19/01/2025, 07:20[GMT+7]

Đổi đời nhờ trồng hồng xiêm

Thứ 2, 25/01/2021 | 09:03:15
2,580 lượt xem
Từ vài cây hồng xiêm cổ trong vườn, ông Lương Xuân Tiến, xã Lô Giang (Đông Hưng) đã nhân rộng ra trên 4.300m2, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Nhờ trồng hồng xiêm, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đến vườn hồng xiêm của gia đình ông Tiến những ngày này ai nhìn cũng mê mẩn bởi cây nào cũng sai trĩu quả. Vợ chồng ông đang nhanh tay chọn hái những quả già, to, mọng để cân cho thương lái. Ông Tiến cho biết: Lúc tôi còn nhỏ đã thấy trước cửa nhà có mấy gốc hồng xiêm. Bố mẹ tôi nói đó là cây “cứu đói” của cả nhà vì tháng 3 ngày 8 hầu hết các loại quả đều hết mùa thì cây hồng xiêm lại đang chính vụ. Hàng ngày mẹ tôi hái hồng xiêm mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Tới khi lập gia đình, tôi mới thấy hết được giá trị của những gốc hồng xiêm đó, do vậy tôi đã chiết cành và trồng khắp vườn, mạnh dạn chuyển đổi 8 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hồng xiêm. Đến nay, tôi đã nhân ra 3 vườn với khoảng 120 gốc có tuổi đời từ 25 - 70 năm. Cây hồng xiêm dù có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng lại rất hợp với chất đất thịt ở Lô Giang, cứ trồng là lên, cây khỏe, cho quả sai và có vị ngọt đặc trưng. Trồng hồng đã nhiều năm, ông Tiến tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc để hồng sai quả và cho thu hoạch từ tháng 12 năm trước tới tháng 7, tháng 8 năm sau. “Với cây hồng xiêm, sau khi trồng cây to đến đâu vun gốc đến đấy. Khi cây lên cao được 60 - 80cm cần bấm bỏ ngọn để cây phát sinh cành bên. Hàng năm, cắt tỉa những cành không cần thiết như cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh,... nên tỉa vào thời gian sau vụ thu hoạch quả, vào những ngày nắng. Phải bón phân tổng hợp cho cây sau mỗi vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, phải theo dõi diệt ruồi hại quả và sâu tiện vỏ cây” - ông Tiến chia sẻ.

Với cách làm đó, vườn hồng xiêm của gia đình ông Tiến luôn sai quả hơn các vườn hồng khác, thu hoạch sớm nên giá bán luôn cao hơn chính vụ. Bình quân mỗi cây hồng xiêm ông Tiến thu được khoảng 2 - 3 tạ quả, bán được 1,5 - 2 triệu đồng, cá biệt có cây thu được tới 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình ông thu từ bán quả hồng xiêm hàng trăm triệu đồng. Giá trị kinh tế do cây hồng xiêm mang lại gấp nhiều lần cấy lúa. Ngoài ra ông Tiến còn ghép, chiết và bán cây hồng xiêm giống cho bà con mua về trồng, mỗi năm thu được trên 20 triệu đồng. Lúc còn cấy lúa, đời sống của gia đình ông rất khó khăn vì cả năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng cây hồng xiêm ông Tiến đã có “của ăn, của để”, đầu tư xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa đồ dùng tiện nghi, hiện đại phục vụ cuộc sống và đầu tư cho con cái ăn học. Cây hồng xiêm đã giúp gia đình ông Tiến đổi đời.

Ông Vũ Việt Hùng, Giám đốc HTX DVNN xã Lô Giang cho biết: Ở Lô Giang, cây hồng xiêm là cây ăn quả chủ lực của xã với 30ha, có 1.100 hộ tham gia trồng. Nhờ trồng hồng xiêm mà những năm gần đây, đời sống người dân Lô Giang đã được nâng cao. Hộ trồng ít cũng thu 30 - 40 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều thu vài trăm triệu đồng/năm. Trong đó, gia đình ông Tiến là hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả trồng nhiều hồng xiêm nhất xã, có thu nhập cao. Bà con trong xã mong muốn cây hồng xiêm Lô Giang sớm được công nhận sản phẩm OCOP để có thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chính vì trồng và phát triển cây thế mạnh của địa phương mà những trái hồng xiêm Lô Giang đã theo chân các thương lái đi khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ông Tiến cùng các hộ nông dân khác không chỉ làm giàu từ cây hồng xiêm mà còn góp phần bảo tồn và xây dựng thương hiệu cho đặc sản hồng xiêm Lô Giang.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày