Thứ 6, 08/11/2024, 07:21[GMT+7]

Kiến Xương: Triển vọng từ chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thứ 3, 02/02/2021 | 09:19:38
8,689 lượt xem
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Kiến Xương phấn đấu xây dựng mỗi xã từ 1 - 2 sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã, nâng tầm giá trị hàng hóa tại địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến.

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 34 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và triển khai tới các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Theo đó, sẽ nâng cấp ít nhất từ 2 - 3 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ, củng cố từ 2 - 3 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương và phát triển các sản phẩm tập trung vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, chế biến và thủ công mỹ nghệ. UBND huyện cũng đã ban hành quyết định thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tổ giúp việc hội đồng, ban hành quy chế hoạt động của hội đồng. 

Trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và các đơn vị tư vấn cũng như hướng dẫn các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Kiến Xương đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm OCOP là mắm cáy và rượu đinh lăng ở Hồng Tiến. Đây là xã duyên giang của huyện, được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật quý như rươi, cáy, tôm cờ, tôm rảo, cá mòi. Nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu sẵn có, HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến đã chế biến và tạo ra sản phẩm mắm cáy trở thành đặc sản của miền quê cuối sông Hồng. Đối với rượu đinh lăng, Công ty TNHH Phù sa sông Hồng Thái Bình đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị chiết xuất thu các hoạt chất, tinh dầu và hương liệu, chế biến ra sản phẩm, được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn.

Như vậy, xã Hồng Tiến là đơn vị tiên phong của huyện Kiến Xương trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Việc lựa chọn hai sản phẩm trên để đăng ký tham gia chương trình OCOP vừa để xây dựng thương hiệu sản phẩm vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, HTX đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của huyện phát triển. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Nghề làm mắm cáy ở Hồng Tiến đã được lưu truyền qua 8 thế hệ. Con cáy vốn sống trong môi trường nước lợ nên có độ đạm cao và mùi vị đặc trưng riêng; song để làm ra sản phẩm ngon, đậm vị thì mọi công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến đều được HTX thực hiện một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sự kỳ công, tỉ mỉ và tâm huyết trong cách chế biến, HTX đã tạo ra loại mắm cáy đậm đà, thơm ngon khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi. Mong rằng sau khi tham gia chương trình OCOP, mắm cáy Hồng Tiến sẽ ngày càng vươn xa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng.

Ở Kiến Xương hiện còn có rất nhiều sản phẩm đặc trưng có thể phát triển theo hướng mỗi xã một sản phẩm theo chương trình OCOP. Điển hình là sản phẩm mây tre đan Thượng Hiền, dệt đũi Nam Cao, chạm bạc Đồng Xâm... Để có các sản phẩm tiếp theo, UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực tham mưu cho huyện, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm để đưa các sản phẩm hướng tới tham gia chương trình OCOP; tiếp tục tư vấn phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Kiến Xương phấn đấu năm 2021 có từ 8 - 10 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được xếp hạng.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày