Thứ 6, 08/11/2024, 05:29[GMT+7]

Mở rộng diện tích cấy máy

Thứ 3, 23/02/2021 | 09:56:58
9,326 lượt xem
Đáp ứng xu thế phát triển của nông nghiệp cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, rào cản trong việc đưa máy cấy vào đồng ruộng từng bước được tháo gỡ. Diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy tăng dần qua từng vụ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm thời vụ.

Diện tích cấy bằng máy ở vụ xuân năm 2021 đạt khoảng 10.000ha.

Xuống đồng từ ngày 14/2 (mùng 3 tết Nguyên đán), đến ngày 19/2 xã Vũ Hòa (Kiến Xương) đã hoàn thành gieo cấy 325ha lúa xuân, trong đó gần 100ha được cấy bằng máy. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Toàn xã gieo cấy 325ha lúa, trong đó chủ lực là giống BC15 kháng đạo ôn. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xã Vũ Hòa đề ra trong tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch tiến tới bảo quản. Việc đầu tư máy móc phục vụ sản xuất là cách giúp hai bên cùng có lợi, nông dân không tốn công cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa nhưng vẫn có sản lượng ổn định, có thời gian làm việc khác để có thêm thu nhập. HTX cũng có thêm nguồn thu, chủ động điều hành các khâu sản xuất. Chất lượng mạ tốt, gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật, lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho vụ lúa bội thu nên thành viên tin tưởng vào dịch vụ của HTX. Ngoài dịch vụ của HTX, một số cá nhân cũng đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Toàn xã hiện có 11 máy cấy, diện tích cấy bằng máy mỗi vụ đạt gần 100ha. Chi phí sản xuất mạ và công cấy trung bình 250.000 đồng/sào, trong khi bình thường nông dân thuê lao động cấy thủ công mất khoảng 300.000 đồng/sào, chưa tính chi phí sản xuất mạ (mua giống, làm đất, mua nilon quây tránh chuột cắn phá...), công sức ngâm ủ, gieo mạ.

Cánh đồng xã Nguyên Xá (Đông Hưng) ngày mùa vẫn rộn ràng như trước kia nhưng thay vì lom khom cấy lúa thủ công thì nay người dân chỉ cần đứng đầu bờ chỉ ruộng để chủ máy đến cấy. Dưới ruộng, máy chạy liên tục; trên bờ, những chuyến xe chở mạ khay nối tiếp nhau để sẵn sàng cho máy cấy “ăn mạ”. Đưa máy cấy vào sản xuất từ năm 2015, đến nay diện tích cấy bằng máy ở Nguyên Xá đã đạt 80%. Là xã có nghề sản xuất bánh cáy, kẹo lạc phát triển, thu hút lượng lớn lao động với thu nhập ổn định, tuy nhiên Nguyên Xá gần như không có ruộng bỏ hoang nhờ áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Đặc biệt, theo nhiều nông dân, khi cấy máy, mạ khay đã được xử lý sâu bệnh rất tốt trước khi đưa ra ruộng cấy, khoảng cách hàng sông, hàng tay của lúa đều, bảo đảm kỹ thuật, vì vậy diện tích lúa cấy máy thường hạn chế sâu bệnh hơn so với lúa cấy thủ công, chi phí đầu tư, thuốc trừ sâu giảm nhiều, năng suất lúa nâng lên.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Đông Hưng cũng xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp theo từng thời điểm để khuyến khích nông dân và các địa phương đầu tư, trang bị, mở rộng diện tích cấy bằng máy. Vụ xuân này, huyện hỗ trợ 40.000 đồng/sào cho các mô hình cấy bằng máy thành vùng tập trung với diện tích từ 5 - 10ha (tổng diện tích hỗ trợ toàn huyện không quá 200ha) bằng một trong các giống lúa mới (BC15 kháng đạo ôn, VNR20, BQ, CNC11). Tính đến ngày 19/2, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 9.500ha lúa, đạt 85% kế hoạch, trong đó có 2.000ha lúa cấy bằng máy.

Theo đề án sản xuất vụ xuân, thời vụ cấy lúa xuân tập trung sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tuy nhiên, đến ngày 18/2 (mùng 7 tháng Giêng), các địa phương đã gieo cấy được khoảng 50.000ha, bằng 66% kế hoạch. Dự kiến, ở vụ xuân có khoảng 10.000ha lúa cấy bằng máy, chiếm 13% diện tích gieo cấy, tăng 240% so với vụ xuân năm 2020. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các trung tâm mạ khay, tổ hợp tác sản xuất mạ khay và cấy máy do các HTX nông nghiệp, các cá nhân sản xuất với quy mô lớn thành lập cung cấp dịch vụ từ giống, gieo mạ, cấy và bàn giao ruộng cho nông dân chăm sóc với chi phí hợp lý, bảo đảm lợi ích của cả người nông dân và đơn vị tổ chức cấy máy.

Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên đồng ruộng. Đồng thời, từng bước giúp người nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày