Thứ 7, 11/01/2025, 15:01[GMT+7]

Vũ Thư: Máy cấy xuống đồng - ruộng hoang giảm mạnh

Thứ 6, 26/02/2021 | 10:01:06
2,268 lượt xem
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đưa máy cấy xuống đồng ruộng đã giúp nông dân giảm đáng kể công lao động, chi phí đầu tư và tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, ở Vũ Thư, máy cấy xuống đồng còn tạo động lực lớn để nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất hiệu quả, từ đó góp phần giảm rõ rệt diện tích ruộng bỏ hoang.

Nhờ có máy cấy, cánh đồng Ao Cá, thôn Bình Chính, xã Việt Thuận (Vũ Thư) vốn bị bỏ hoang đã được cải tạo và đưa vào sản xuất ở vụ xuân này.

Cánh đồng Ao Cá, thôn Bình Chính, xã Việt Thuận bị bỏ hoang nhiều vụ qua. Nhưng nhờ có dịch vụ máy cấy của nông dân trong thôn, vụ xuân năm nay gia đình bà Bùi Thị Na mạnh dạn cải tạo 4,7 mẫu ruộng hoang đưa vào sản xuất lúa xuân. 

Bà Na chia sẻ: Nhờ có máy cấy, vụ xuân năm nay gia đình tôi gieo cấy 4,7 mẫu, toàn bộ là ruộng bỏ hoang nhiều năm nay. Tôi nhận thấy so với gieo sạ thì cấy bằng máy hiệu quả hơn hẳn vì không phải phun thuốc trừ cỏ - đỡ độc hại môi trường, không phải căng nilon, hạn chế chuột phá hại.

Nhờ đầu tư máy cấy, từ năm 2019 đến nay gia đình ông Bùi Đình Trắc, thôn Việt Hùng, xã Việt Thuận sản xuất được 15 - 20ha lúa mỗi vụ, thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/vụ. Hầu hết trong số này là ruộng do nông dân bỏ hoang trước kia. 

Ông Trắc cho biết: Trước kia, do có khó khăn về lao động, chi phí thuê khoán cấy thủ công cao dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất cao, hiệu quả sản xuất thấp nên bà con bỏ ruộng hoang rất nhiều. Gia đình tôi mạnh dạn đầu tư mua máy cấy trị giá trên 70 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 35 triệu đồng đưa vào sản xuất. Có máy cấy, gia đình tôi đã cải tạo đưa vào sản xuất hầu hết diện tích ruộng hoang ở địa phương.

Vũ Hội là xã ven thị, lại là xã nghề, lao động nông nghiệp thiếu, khó khăn, nông dân bỏ hoang 17 - 20ha ruộng mỗi năm. Nhưng đó là câu chuyện cũ, giờ đây, với dịch vụ máy cấy mạ khay của HTXNN xã, Vũ Hội đã giảm được 70% diện tích ruộng hoang này. 

Ông Vũ Đình Phùng, Giám đốc HTXNN xã Vũ Hội cho biết: Đến nay xã có 5 máy cấy phục vụ sản xuất. Tính cả chi phí sản xuất mạ và công cấy, mỗi sào lúa cấy bằng máy từ 230.000 - 250.000 đồng, trong khi đó nếu bà con thuê lao động cấy thủ công mất từ 300.000 - 320.000 đồng/sào. Máy cấy nhỏ đạt công suất 4 - 5 mẫu ruộng/ngày, máy cấy lớn đạt 9 - 10 mẫu ruộng/ngày, gấp khoảng 30 - 60 lần so với lao động thủ công, nhờ đó tiết kiệm lao động và chi phí đầu tư, hiệu quả sản xuất tăng lên. Đây chính là động lực để nông dân địa phương duy trì sản xuất, không bỏ hoang đồng ruộng. Thậm chí, nhiều hộ đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất vốn bị bỏ hoang trước kia để cải tạo, đưa vào sản xuất quy mô lớn. Địa phương tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư máy cấy, phấn đấu xóa triệt để diện tích ruộng bỏ hoang.

Đồng chí Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Chủ trương sản xuất vụ xuân năm 2021 của huyện xác định rõ các địa phương tập trung khắc phục triệt để diện tích đất hoang hóa thông qua việc khuyến khích các tập thể, cá nhân tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp ở Vũ Thư, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa đã đạt 99%, tuy nhiên cơ giới hóa khâu gieo cấy còn hạn chế. Đến nay, toàn huyện có trên 30 máy cấy các loại. Việc áp dụng máy cấy trong sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt như giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, kỹ thuật cấy lúa bảo đảm, hạn chế sâu bệnh, qua đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa. Chính những ưu thế trên của máy cấy đã tạo động lực để nông dân toàn huyện mạnh dạn cải tạo, khôi phục sản xuất mỗi vụ từ 20 - 50ha ruộng hoang. Hiện nay, nhu cầu của nông dân mua máy cấy cao, tuy nhiên số lượng máy cấy được hỗ trợ hàng năm còn hạn chế. Huyện rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để nhiều gia đình, tập thể có điều kiện đầu tư máy cấy, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn bó với đồng ruộng.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày