Làm giàu từ mô hình VAC
Chị Duyên chăn nuôi giỏi - đó là nhận xét người dân xã Tây Sơn (Kiến Xương) dành cho chị Lê Thị Duyên, thôn Trung Bắc bởi mô hình của gia đình chị là một trong những mô hình xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chị đã mạnh dạn thuê hơn 8.000m2 đất để đào ao, thả cá và làm chuồng trại chăn nuôi. Nhận thấy giống gà Ai Cập có năng suất trứng cao, chị Duyên đã quyết định đầu tư vào nuôi giống gà này. Hiện nay, trang trại của gia đình chị có hơn 6.000 con gà thịt, gà trứng đem lại doanh thu gần 240 triệu đồng/tháng. Xung quanh trang trại, chị cứng hóa ao nuôi để thả các loại cá truyền thống, xây dựng tường bao để ngăn cách khu chăn nuôi với trồng cây và sử dụng hệ thống lọc gió, chế phẩm vi sinh nên đã hạn chế được mùi hôi trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường. Với hơn 100 gốc bưởi diễn từ 5 - 7 năm tuổi, hơn 1 mẫu ao thả cá, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Duyên sau khi trừ chi phí thu về hơn 2 tỷ đồng/năm. Chị Duyên chia sẻ: Bây giờ gia đình tôi đã có điều kiện kinh tế hơn nên chúng tôi cũng giúp đỡ cho 4 hộ khác kinh nghiệm chăn nuôi và đầu ra nông sản. Thời gian tới, tôi sẽ thuê thêm lao động, tạo việc làm cho những hộ nông nhàn để giúp họ tăng thêm thu nhập.
Giống như chị Duyên, anh Mai Văn Dũng, thôn Bình Sơn, xã Tây Sơn cũng đầu tư vốn làm trang trại tổng hợp. Khởi nghiệp cách đây 5 năm, hiện anh Dũng đã có trong tay cơ ngơi với 40 con trâu, bò; hơn 7.000m2 ao cá, hơn 8 sào vườn trồng ổi, mít, bưởi và nhãn. Anh Dũng cho biết: Với đàn trâu, bò, bình quân một năm tôi thu về từ 300 - 400 triệu đồng; hơn 3 tấn cá và gần 5 tấn hoa quả các loại, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về hơn 800 triệu đồng/năm. Với mô hình này tôi tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Khó khăn lớn nhất trong làm kinh tế VAC chính là việc quyết định sẽ trồng cây gì và nuôi con gì để có được lợi nhuận. Mô hình của tôi thành công được như ngày hôm nay chính là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Hiện nay chăn nuôi thân thiện với môi trường, không lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các sinh vật đối kháng có lợi cho cây trồng chính là cách làm mà gia đình tôi lựa chọn để cây trồng phát triển tốt.
Chia tay anh Dũng, chúng tôi đến thăm mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Nghinh, thôn Trà Linh, xã Thụy Liên (Thái Thụy). Hơn 10 năm trước, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn liếng để xây dựng mô hình VAC. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như được địa phương tạo điều kiện, gia đình anh đã chọn những cây trồng, đối tượng nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Gia đình anh hiện làm không hết việc và còn tạo thêm việc làm cho một số lao động trong thôn. Với 3 ao nuôi thả chủ yếu là cá rô đồng, cá trắm, cá chép, trung bình hàng năm cho thu hoạch từ 100 - 120 tấn cá, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh Nghinh trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, cam lê, mít với hơn 1.000 gốc. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình anh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Anh Nghinh chia sẻ: Mô hình của tôi chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tận dụng và xử lý chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón cho cây trồng, một số loại phế phẩm cây trồng tôi lại ủ với vi sinh để làm phân bón hoặc nghiền nhỏ cho vật nuôi ăn. Chính hình thức xoay vòng thức ăn đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, góp phần tăng nguồn thu cho gia đình.
Những mô hình phát triển kinh tế VAC trên là minh chứng rõ nhất cho tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của nông dân Thái Bình. Với những mô hình trang trại tổng hợp, người nông dân cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các bước sản xuất an toàn, không được lợi dụng các loại thuốc kích thích, phân bón hóa học khiến đất đai, môi trường, đặc biệt là nông sản bị tồn dư chất hóa học, gây hại đến sức khỏe con người. Chính việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi sẽ giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn, từ đó thu nhập sẽ tăng lên đáng kể.
Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
- Đại hội Hội Doanh nhân nữ tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, động viên các gian hàng chào mừng Đại hội Hội Doanh nhân nữ tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và các dự án luật
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả