Thứ 6, 08/11/2024, 03:34[GMT+7]

Tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ 4, 03/03/2021 | 08:53:03
9,219 lượt xem
Vụ lúa xuân năm 2021 khởi đầu với nhiều thuận lợi. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ khuyến cáo. Hiện ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Nông dân huyện Vũ Thư chăm sóc lúa xuân.

Tiền Hải trước đây thường hoàn thành gieo cấy lúa xuân muộn nhất tỉnh. Nhưng năm 2021, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đến ngày 25/2 huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy 10.000ha theo kế hoạch. 

Tỉ mẩn tỉa dặm trên mảnh ruộng gần 5 sào được cấy bằng máy trước đó vài ngày, bà Đỗ Thị Len, xã Tây Ninh cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mọi người hạn chế đi lại, tham gia các hoạt động du xuân, lễ hội nên xuống đồng sớm và tập trung hơn. Vụ xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, các khâu chuẩn bị cho sản xuất được thực hiện khẩn trương, gieo cấy được cơ giới hóa nên công việc nhà nông nhàn nhã rất nhiều. Thực hiện theo khuyến cáo của HTX, tôi thường xuyên thăm đồng để giữ nước trong ruộng, tiến hành dặm tỉa sớm trước khi lúa đẻ nhánh để bảo đảm mật độ, diệt ốc bươu vàng và ổ trứng trên ruộng và mương máng bằng biện pháp thủ công. HTX chú trọng công tác diệt chuột ngay từ khi đổ ải, làm đất nên tình trạng chuột cắn phá cũng giảm đáng kể.

Với khung thời vụ của Thái Bình, từ nhiều năm qua, công thức sản xuất vụ xuân được ngành Nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo thực hiện tập trung vào trà xuân muộn, sử dụng giống ngắn ngày và dùng hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng để bảo đảm khi cấy xuống là mạ non; thời vụ cấy trước ngày 25/2 để tránh lúa trỗ sớm gặp rét ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích lúa gieo cấy sớm trước lịch thời vụ, đến nay lúa đã đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ, nguy cơ trỗ sớm ảnh hưởng đến năng suất.

Vụ xuân năm 2021, huyện Đông Hưng gieo cấy 11.203ha lúa. Do nền nhiệt độ từ thời điểm tiết lập xuân (4/2) đến nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C, ít mưa, nắng ấm nên lúa xuân sinh trưởng, phát triển tương đối nhanh. Đến nay, các trà lúa của huyện tập trung trong giai đoạn từ bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh; trong đó, diện tích cấy sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. 

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Theo dự báo, diễn biến nền nhiệt độ tháng 3 sẽ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C, lúa xuân sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, trỗ sớm. Để bảo đảm tổ chức tốt sản xuất vụ xuân trong điều kiện ấm, UBND huyện yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong chăm sóc diện tích lúa cấy sớm trước tiết lập xuân cần chia lượng phân bón thúc làm 2 lần bón để kéo dài thời gian sinh trưởng, hạn chế lúa trỗ bông trong tháng 4 ảnh hưởng đến năng suất. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các đơn vị trong ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời phát hiện đối tượng sâu bệnh hại để tham mưu UBND huyện chỉ đạo kịp thời và hiệu quả.

Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện vụ xuân ấm làm giảm năng suất lúa, ngành Nông nghiệp đang tăng cường phối hợp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa cấy hoặc gieo thẳng cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giữ nước đều trên mặt ruộng tránh để ruộng lúa bị khô hạn. Cần phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp: diện tích lúa cấy sớm trước tiết lập xuân cần chia lượng phân bón thúc làm 2 lần bón để kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa; trà lúa gieo cấy sau tiết lập xuân cần tập trung bón thúc khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, chú trọng bón bổ sung thêm phân Kaliclorua để tăng khả năng đề kháng của cây trồng với sâu bệnh hại.

Ngành Nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành theo dõi diễn biến của thời tiết, bám sát và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện các ổ bệnh, đặc biệt chú ý bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen từ sớm để tham mưu các biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày