Thứ 7, 11/01/2025, 10:49[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Tái đàn lợn gắn với phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 15/03/2021 | 09:41:36
1,959 lượt xem
Sau tết Nguyên đán, lượng lớn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ. Cùng với người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tái đàn, ổn định sản xuất, người chăn nuôi huyện Quỳnh Phụ cũng đang tích cực tái đàn lợn gắn với phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Người chăn nuôi tăng cường chăm sóc đàn lợn.

Hiện nay, giá thịt lợn hơi vẫn giữ ở mức cao nên người chăn nuôi lợn phấn khởi, tập trung tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, để bảo đảm tái đàn thuận lợi, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát. Trang trại của gia đình ông Phạm Văn Dương ở thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh thường xuyên chăn nuôi 300 con lợn thịt và 30 con lợn nái. Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch mà hoạt động chăn nuôi của gia đình luôn phát triển ổn định. Ông Dương cho biết: Gia đình luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng dịch, thường xuyên tiêu độc, khử trùng trang trại. Mỗi khi xuất lợn xong tẩy uế chuồng trại, phun thuốc sát trùng, để trống chuồng từ 15 - 30 ngày mới đưa lợn mới vào nuôi. Khi tái đàn, nếu thiếu lợn giống thì mua ở các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch và tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh. Đặc biệt, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mang mầm bệnh bên ngoài vào.

Là một trong những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, gia đình chị Phạm Thị Huế, thôn An Ký Tây, xã Quỳnh Minh cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chị Huế cho biết: Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình tôi phải tiêu hủy hơn 80 con lợn nái và lợn con, thiệt hại gần 300 triệu đồng. Sau đợt dịch, gia đình đã để trống chuồng trại một thời gian dài, rắc vôi bột, phun hóa chất nhiều lần để xử lý mầm bệnh, đồng thời sửa sang chuồng trại bảo đảm áp dụng được các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Quá trình chăn nuôi luôn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của đàn lợn, cho ăn thức ăn, nước uống sạch, bảo đảm chất lượng, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để lợn tăng cường sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh.

Những năm qua, tổng đàn lợn của xã Quỳnh Minh luôn duy trì từ 11.000 - 15.000 con. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp tái đàn gắn với phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Văn Thép, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để bảo đảm công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã tăng cường công tác giám sát đối với các hộ tái đàn, yêu cầu phải mua lợn giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, chủ động khai báo với Ban Chăn nuôi và Thú y xã để nắm rõ số lượng, theo dõi và kịp thời phát hiện tình trạng lợn ốm để có biện pháp xử lý. Nhờ vậy, chăn nuôi lợn trên địa bàn xã vẫn phát triển ổn định.

Huyện Quỳnh Phụ là một trong những địa phương có số lượng đàn lợn lớn nhất tỉnh. Sau tết Nguyên đán, UBND huyện tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung, tái đàn lợn gắn với phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng. Bà Lê Thị Biển, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2019, sau khi công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác tái đàn lợn sau dịch. Đến nay, tổng đàn lợn của huyện đạt 135.000 con, đạt 80% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Các địa phương trên địa bàn huyện đã bám sát các chỉ đạo của tỉnh, của huyện, tích cực tái đàn lợn gắn với phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, từng bước ổn định sản xuất chăn nuôi.

Thanh Huyền - Kiên Trung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày