Thứ 7, 11/01/2025, 07:44[GMT+7]

Giá thức ăn tăng, người chăn nuôi gặp khó

Thứ 6, 02/04/2021 | 08:18:50
1,535 lượt xem

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó.

Giá trứng, giá gà thịt đang ở mức thấp, khó tiêu thụ trong khi thức ăn chăn nuôi lại tăng giá liên tục khiến cho nhiều hộ chăn nuôi của HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình (Vũ Thư) phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngập ngừng tái đàn.

Với kinh nghiệm hàng chục năm nuôi gà, ông Bùi Trung Mười, thôn Trung Hòa, xã Việt Thuận (Vũ Thư), thành viên HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình nuôi gà đẻ với quy mô khoảng 2.000 con, thu trên 1.000 quả trứng mỗi ngày. Tuy nhiên, giá trứng giảm liên tục từ hơn một tháng nay khiến ông Mười phải giảm đàn để cắt lỗ. 

Ông Mười cho biết: Từ sau tết, giá trứng gia cầm bắt đầu giảm. Điều này không khó hiểu bởi năm nào cũng vậy. Nguyên nhân là do số trứng tồn trong dịp nghỉ tết (từ ngày 28 tháng Chạp tới mùng 6 tháng Giêng) khiến nguồn cung tăng cao. Thông thường giá trứng chỉ giảm trong khoảng từ 1 tuần tới 10 ngày là sẽ tăng giá trở lại. Thế nhưng, năm nay thì giá trứng giảm liên tục. Hiện trứng gà ta bán buôn chỉ được 1.600 - 1.700 đồng/quả, bán lẻ được 2.000 đồng/quả. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 50.000 đồng/bao 25kg so với thời điểm cuối năm 2020. Với giá trứng như hiện nay, theo tính toán, mỗi ngày tôi phải bù lỗ 70.000 đồng/100 quả trứng nên vừa qua tôi đã bán đi một nửa số gà đẻ. Không chỉ giá bán thấp, việc tiêu thụ trứng cũng gặp nhiều khó khăn. Thời tiết nồm ẩm như hiện nay trứng tồn đọng sẽ giảm chất lượng. Nên dù giá thấp thì người nuôi cũng phải bán để gỡ gạc chi phí đầu tư.

Không chỉ giá trứng giảm sâu, giá gà thịt duy trì mức thấp nhiều ngày qua khiến ông Nguyễn Văn Năng, xã Thụy Bình (Thái Thụy), thành viên HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình ngại đầu tư để tái đàn. 

Ông Năng chia sẻ: Theo tính toán, mỗi ki-lô-gam gà thịt cần khoảng 3,2 - 3,5kg cám. Trong vòng chưa đầy 6 tháng qua, giá cám đã tăng 6 lần khiến chi phí mỗi ki-lô-gam gà thịt tăng từ 6.000 - 7.000 đồng, chưa tính đến chi phí vắc-xin phòng ngừa bệnh, hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng... hay thiệt hại do dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay. Tiêu thụ chậm, càng để lâu chi phí đội lên càng lớn, nhiều hộ rơi vào tình cảnh “mua van bán lạy”. Chăn nuôi gia cầm thời điểm này quy mô càng lớn, tổng đàn càng nhiều thì càng lỗ.

Khó khăn của ông Mười, ông Năng cũng là khó khăn của nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm khác trên địa bàn tỉnh. 

Ông Lưu Văn Toàn, Giám đốc HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình cho biết: HTX hiện có 20 thành viên, chủ yếu chăn nuôi gà thịt, gà đẻ, vịt, tổng đàn hiện tại còn khoảng 10.000 con. Từ tháng 10/2020 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm đã có 5 lần tăng giá thức ăn chăn nuôi. Mới đây nhất, công ty gửi thông báo tăng giá lần thứ 6 kể từ ngày 30/3. So với thời điểm tháng 10/2020, mỗi bao cám (25kg) cho gà thịt tăng 40.000 - 50.000 đồng. Nguyên nhân tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó, các thành viên đều nuôi cầm chừng, không dám tái đàn, thậm chí có nhiều chuồng trại đang để trống. Trong khi giá gà thịt đang tăng dần do các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn hoạt động trở lại thì giá trứng vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại.

Giá cám tăng cao, tuy nhiên, theo ông Toàn, người chăn nuôi cũng khó trong sản xuất thức ăn tự chế bởi nguyên liệu tăng giá, trong khi sản lượng sản xuất chỉ phục vụ chăn nuôi quy mô nhỏ. Trước thực trạng trên, HTX hướng dẫn, khuyến cáo thành viên thường xuyên cập nhật thông tin thị trường; thận trọng, tính toán kỹ khi tái đàn để tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Thực hiện tốt các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày